Guro là trường phái nghệ thuật Nhật Bản tập trung mô tả, khắc họa những điều quái dị, bất thường, méo mó và đáng sợ.
Chủ đề thường thấy là sự chết chóc, tự sát, tra tấn thậm chí là ăn thịt người. Vậy lịch sử của guro là từ đâu? Và nó có thật đang dần biến mất? Cùng mình đi tìm hiểu nhé!
Dòng lịch sử của guro
Guro là một trường phái nghệ thuật của Nhật Bản được ra đời vào năm 1860 bởi họa sĩ Tsukioka Yoshitoshi và phát triển mạnh mẽ năm 1920-1930 (thời kỳ vừa kết thúc chiến tranh thứ nhất và chuẩn bị nổ ra chiến tranh thế giới thứ 2). Guro tập trung khai thác những hình ảnh méo mó, quái dị nhất và nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nghệ thuật khác như phim, văn học, âm nhạc và manga.
Bản chất của guro là không chú trọng tới máu, nội tạng hay tình dục, mà nó chú trọng vào không gian như không gian vô thực gây hoảng loạn khi không biết nó là hư hay thật. Mặc dù rất kinh dị nhưng nó vẫn được xem là một trường phái nghệ thuật bởi Guro chịu ảnh hưởng từ những hình ảnh điêu khắc quái dị của phương tây như Ý hay vương quốc Anh. Guro được dùng để phản ánh những hành vi tra tấn, giết người trong thế chiến thứ nhất thông qua các bản in khắc gỗ (muzan-e) ở thế kỷ 19.
Tới năm 1920, guro có sự pha trộn của yếu tố quan hệ thể xác và sinh ra ero guro. Vào thời kỳ đó, phong trào này được mô tả như sự ảnh hưởng của tầng lớp tư bản thời hậu chiến, nhằm khám phá những thứ lệch lạc, kì lạ và nhố nhăng, là một xã hội bất ổn, mục rữa và vô chính phủ. Không chỉ vậy, guro còn ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý người xem vì đã có một vụ án mạng xảy ra trong năm đó bởi sự ảnh hưởng của nó. Chính vì vậy, chính phủ Nhật đã thắt chặt các tác phẩm có yếu tố guro vì sự ảnh hưởng của nó lên tâm lý người dân. Trong khoảng thời gian xảy ra thế chiến thứ 2, guro gần như bị biến mất.
Phân loại guro
Sau thế chiến thứ 2, luật xử lý các phương tiện truyền thông liên quan tới guro được nới lỏng, và những năm 80 – 90 là thời kì bùng nổ của thể loại này. Yếu tố guro được xuất hiện trong hầu hết các bộ anime/manga kinh dị, thậm chí nó còn được phân loại ra thành các kiểu guro khác nhau. Trong đó, có 2 thể loại guro được đánh giá rất cao và xuất hiện trong manga/anime nhiều nhất.
Freakshow (chương trình kì dị)
Đây là thể loại guro yêu cầu tính sáng tạo cao, có ít yếu tố bạo lực nhưng tạo được cho người xem cảm giác về một thế giới vô thực, kì quái, ít cảnh máu me, chết chóc nhưng độ gây ám ảnh thì phải gọi là bậc nhất.
Đặc biệt của thể loại này là lấy những bộ phận trên cơ thể con người và biến nó thành những thứ dị dạng, đáng sợ. Một trong những tác giả nổi tiếng đã sử dụng tốt những yếu tố của thể loại này vào trong tác phẩm của mình chính là Ito Junji.
Gore/Death (đẫm máu và cái chết)
Giống như cái tên, thể loại guro này chủ yếu sử dụng các hình ảnh nội tạng, sự đẫm máu và cái chết thậm chí có cả cảnh ăn thịt người. Chỉ bấy nhiêu yếu tố đó thôi đã khiến người xem phải rùng mình vì sự ghê rợn của gore/death mang lại. Nhưng đấy không phải là tất cả mà gore/death có, bởi nhiều khi chúng ta sẽ xem được những bộ manga/anime mà nhân vật phải sống dở chết dở khi bị tra tấn bằng những cách man rợ, tàn bạo nhất mà không ai có thể tưởng tượng ra được. Những kiểu hình ảnh này trong gore/death đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc trái chiều khi có người cảm thấy quá ám ảnh không thể xem nổi nhưng cũng có những người lại cảm thấy kích thích dù cho họ cũng bị ám ảnh tới mất ăn mất ngủ.
Sự biến mất của guro
Bởi sự ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý người xem, nên guro giờ đây đã bị thắt chặt. Hiện nay, Freakshow vẫn được chấp nhận nhưng gore/death muốn được lên anime thì phải đơn giản hóa những phân cảnh đáng sợ lại. Dù kinh dị, ghê rợn và kì quái nhưng guro vẫn được xuất hiện trong anime/manga với điều kiện phải giảm đi mức độ kinh dị của nó xuống thì mới được bộ phận kiểm duyệt chấp nhận.
Tuy bộ phận kiểm duyệt của anime hiện tại rất gắt, nhưng manga guro thì lại được nới lỏng hơn, chỉ là khi xuất bản qua các quốc gia khác ngoài Nhật, các bộ manga guro sẽ bị che mờ hết các phân cảnh kinh dị hay thậm chí là cấm luôn manga đó phát hành.
Ví dụ điển hình như Attack On Titan, vì các Titan có ngoại hình không da (được tính là Freakshow) nên khi qua các quốc gia khác, những con Titan này được vẽ thêm quần hoặc cho mặc những bộ trang phục mà người xem phải phì cười vì độ tếu của tạo hình, hoặc bộ manga này bị xóa trắng những phân cảnh có người chết.
Dù thể loại này rất hay và kích thích người xem, nhưng sự xuất hiện của guro cũng khiến nhiều người phải lo sợ vì nó có thể ảnh hưởng sâu sắc lên tâm lý của người xem, khuyến khích những hành động man rợ như tra tấn hay sát hại người khác. Dẫu vậy nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, guro là thứ lột tả sự kinh dị, đau đớn một cách sống động và chân thực nhất.
Guro được tạo ra ban đầu với mục đích phản ánh tội ác của chiến tranh, sau đó guro bị mang đi thể hiện về một xã hội mục rữa khi tư tưởng con người bắt đầu bệnh hoạn, chỉ muốn tìm đến quan hệ thể xác kinh dị. Để dần rồi, nó trở thành thứ được góp mặt trong các bộ anime/manga, mang đến cảm giác thú vị về yếu tố kinh dị, hoặc phản ánh sự tàn nhẫn của các cuộc chiến. Cùng với sự điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng, nên guro vẫn chưa hoàn toàn bị biến mất, chỉ là nó đã được thu nhỏ lại cho người xem dễ thích nghi hơn.
Tuy được đánh giá là ghê rợn, bệnh hoạn, đi ngược lại với tiêu chuẩn cộng đồng. Nhưng mình nghĩ, những gì guro phản ánh thông qua lịch sử của nó đã lột tả được những điều kì dị nhất trong não bộ của con người. Còn bạn thì nghĩ sao?
Bình luận