Mặc dù Tower of Fantasy có một số điểm tương đồng với Genshin Iimpact nhưng nói nó là “clone” thì cũng hơi oan cho nhà Hotto.
Ngay từ khi được Perfect World công bố, Tower of Fantasy đã được nhiều game thủ gọi với cái tên thân thiện là clone Genshin Impact. Tên gọi này tiếp tục được game thủ phương Tây sử dụng sau khi Tower of Fantasy được phát hành toàn cầu bởi Level Infinite vào tháng 8 năm 2022.
Mặc dù mang danh copy người khác như vậy nhưng theo báo cáo doanh thu mới được trang thu thập số liệu Sensor Tower cho biết thì đây là một sản phẩm khá hút khách. Cụ thể, chỉ nửa tháng sau khi phát hành toàn cầu thì Tower of Fantasy đã thu về tới 34 triệu USD.
Đây là một con số không hề nhỏ mặc dù chưa thể sánh nổi với sản phẩm cùng thể loại là Genshin Impact. Một điều thú vị khác là doanh thu của nó phần lớn đến từ Nhật Bản, thị trường khó tính bậc nhất, theo sau là Mỹ. Điều kỳ lạ khác là Nhật mặc dù góp tỷ lệ doanh thu cao nhưng không phải là nước có nhiều tài khoản tham gia nhất, quốc gia này chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ về số tài khoản tham gia game.
Từ những thông tin trên, tôi cũng bắt đầu tò mò với câu hỏi Tower of Fantasy có gì hay và nó giống Genshin đến mức nào? Nếu chỉ là một game clone thời vụ thì làm sao nó chinh phục được người chơi ở các thị trường khó tính như Nhật hay Mỹ? Chỉ còn cách là trải nghiệm thử để biết thôi.
Thật may khi tôi bắt đầu chơi thì Tower of Fantasy đã có phiên bản dành cho PC vì bản trên di động hiện đang cấm thị trường Việt Nam. Không thể tải từ Google Play trong khi Taptap cũng không có bản chính thức chỉ có bản Closed Beta. Tôi cũng tải thử bản Beta và nhận thấy nó chơi được bình thường như bản chính thức, đến tên server cũng tương đồng với bản PC nhưng không hiểu sao tài khoản đăng ký khi chơi PC thì không thể dùng cho bản Android Closed Beta. Vì vậy tôi quyết định trải nghiệm bản PC là chính cho thoải mái.
Cảm nhận đầu tiên về đồ họa đó là nó sử dụng kiểu render tương tự như Genshin Impact để tạo cảm giác “anime” Nhật. Tuy nhiên Tower of Fantasy có một chút gì đó thô hơn, có thể là do tối ưu chưa tốt. Điều này chỉ thực sự thể hiện khi bạn chú ý kỹ đến từng chi tiết thể hiện, còn khi chơi game bình thường thì nó cũng không quá lộ.
Cốt truyện và bối cảnh của Tower of Fantasy là một chất hoàn toàn riêng biệt. Game lấy bối cảnh tương lai xa khi loài người di chuyển đến các hành tinh xa xôi trong vũ trụ để định cư. Một nhóm loài người đã hạ xuống hành tinh xa xôi mang tên Aida. Sau khi xây dựng xong nền văn minh mới, loài người lại phát hiện ra ngôi sao chổi Mara mang một nguồn năng lượng quý hiếm có tên là Omnium. Thế là họ xây dựng một cái tháp khổng lồ gọi là Tower of Fantasy để “bắt giữ” sao chổi này biến nó thành một mặt trăng của Aida sau đó hút lấy Omnium của nó sử dụng cho loài người.
Omnium tỏ ra là một năng lượng cực kỳ hữu dụng khi ứng dụng được trong nhiều loại máy móc tân tiến kể cả hệ thống dịch chuyển tức thời. Tuy nhiên một sự cố đã xảy ra trên Tower of Fantasy khi một vụ nổ năng lượng khủng khiếp xảy ra khiến phóng xạ của Omnium tràn ra trên hành tinh Aida. Những người bị nhiễm xạ hoặc sẽ chết hoặc sẽ biến thành Aberrant, một loại quái đột biến tương tự zombie, một số loài vật cũng bị biến dị tương tự. Các nhà khoa học nhanh chóng chế tạo ra một thiết bị lá chắn gọi là supressor giúp người sửa dụng che chở mình trước phóng xạ Onmium, từ đó loài người sống sót vượt qua thảm họa diệt vong.
Các nhà khoa học tạo ra supressor sau đó tập hợp lại thành lập tổ chức Hykros tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để phát triển văn minh. Tuy nhiên một số người không tin tưởng vào điều đó, họ cho rằng Omnium là cội nguồn của thảm họa vì vậy cần phải loại bỏ nó. Họ ngấm ngầm tập hợp lại tạo thành một giáo phái ngầm gọi là Heirs of Aida tìm cách lọai bỏ ảnh hưởng của Omnium ra khỏi đời sống và cả những kẻ đang bám lấy nguồn năng lượng này – Hykros.
Bạn sẽ vào vai một trong 2 người thuộc đội phản ứng đặc biệt được Hykros phái đi điều tra một vụ việc. Đội hành động bị quái vật phục kích rồi lạc nhau, supressor của bạn bị hỏng khiến bạn ngất xỉu. Bạn tỉnh lại 6 tháng sau đó trong một ngôi làng do phe Hykros quản lý và không còn nhớ bất kỳ thứ gì về thời gian qua. Những người trong làng nói rằng họ phát hiện bạn ngất xỉu trên núi rồi mang về chữa trị. Từ đây bạn bắt đầu hành trình tìm lại ký ức của mình và cuộc phiêu lưu đầy gian nan cũng mở ra.
Do lấy bối cảnh tương lai nên phong cách thiết kế của Tower of Fantasy mang vẻ máy móc tương lai kiểu Honkai Impact hơn là sự cổ kính ở Genshin Impact. Mặc dù vậy thế giới mở của 2 game này có khá nhiều điểm tương đồng, có thể nói là các cơ chế giống nhau khoảng 60%. Người từ chơi Genshin Impact sẽ dễ hòa nhập với Tower of Fantasy hơn.
Có khá nhiều điểm khác biệt mà Tower of Fantasy tạo dựng cho riêng mình. Ví dụ dễ thấy nhất là cơ chế chiến đấu. Bạn chỉ sử dụng một nhân vật duy nhất nhưng có thể hoán đổi giữa 3 món vũ khí khác nhau. Đây là những vũ khí do Hykros phát triển dựa vào việc ghép kinh nghiệm sử dụng và cá tính của các chiến binh gắn liền với vũ khí đi kèm. Nói cách khác bạn sử dụng vũ khí đồng thời cũng dùng cả linh hồn các chiến binh cài đặt trong đó. Bạn có thể dùng cả ngoại hình của họ, gọi là Simulacra để thay thế cho nhân vật chính như một kiểu skin tặng kèm.
Mỗi món vũ khí cung cấp một kỹ năng riêng, một chuỗi chiêu đánh thường và một đòn đổi vũ khí dạng ultimate. Bạn sẽ chiến đấu theo combo đánh thường và dùng kỹ năng để tích năng lượng cho các vũ khí. Khi một vũ khí được sạc đầy thì bạn có thể chuyển sang sử dụng nó. Mặt khác, nếu bạn dùng né tránh (vâng, nút bấm này Genshin không có) đúng lúc kẻ địch tấn công sẽ đạt trạng thái counter cực kỳ lợi hại. Trong đó, thời gian trong khu vực xung quanh sẽ chậm lại đồng thời tất cả vũ khí tự động được sạc đầy chờ tung chiêu đổi vũ khí.
Ở khoảnh khắc đổi vũ khí bạn sẽ tung kèm một đòn tối hậu của vũ khí mới. Cơ chế này có phần bó buộc khi bạn lỡ tích đầy năng lượng nhưng khi phiêu lưu cần thay đổi vũ khí, như lấy cung ra săn heo chẳn hạn, thì sẽ tốn oan 1 đòn ultimate. Cũng chính vì ít kỹ năng và ít vũ khí mang theo nên việc biểu diễn các combo đổi vũ khí liên tục sẽ có phần hạn chế hơn.
Có thể bạn quan tâm: Super Fantasy War: Mộng Ảo Thánh Chiến chính thức mở tải, free 150 tướng không tốn 1 đồng
Để bù cho điểm yếu đó, nhà sản xuất đã chế ra rất nhiều loại vũ khí khác nhau. Đánh cận chiến ngoài kiếm, thương ra còn có búa tạ, lưỡi cưa, cặp dao găm. Đánh xa ngoài cung thông thường còn có súng ngắn và súng hạng nặng. Tất nhiên mỗi loại vũ khí đều có điểm mạnh và bất tiện riêng.
Vũ khí nhẹ, cơ động, tuyệt chiêu đẹp mắt thì sát thương yếu và ngược lại, vũ khí cồng kềnh chậm chạp thì sát thương cao. Khẩu súng liên thanh hạng nặng bắn nhanh và đã tay hơn cung khi có thể xả 40 viên đạn trước khi phải dừng khoảng 1 giây để nạp lại. Bù lại kỹ năng của nó rất khó xài, bạn sẽ cắm nó xuống đất tạo thành một súng thủ trụ cố định rồi điều khiển nó bắn từng phát cách nhau khoảng 1,5 giây. Nó sẽ hữu ích khi đánh trong party nhưng khi chơi solo thì ăn no đòn của quái.
Ngoài các nhiệm vụ chính tuyến, Tower of Fantasy cũng cung cấp nhiều hoạt động khác đầy hấp dẫn trong thế giới ảo như thu thập nguyên liệu rau củ để nấu ăn, khai thác khoáng thạch nâng cấp vũ khí, làm các nhiệm vụ phụ, nhặt rương. Tower of Fantasy cũng có các phụ bản tự do là các phế tích cổ nhưng cách thiết kế của nó trông giống hang Cauldron trong Horizon Zero Dawn hơn là Genshin Impact.
Tower of Fantasy cung cấp chức năng quay gacha để người chơi săn vũ khí cũng như các con chip bổ trợ tương tự artifact trong Genshin. Các vũ khí sẽ có 3 phẩm chất là R (xanh lam), SR (tím) và SSR (cam), cấp N chỉ dành cho các nguyên liệu. Vũ khí R nếu quay ra trùng sẽ bù bằng nguyên liệu N, hai cấp sau là SSR/SR nếu trùng sẽ thay bằng một viên lõi vũ khí dùng để tăng cấp sao cho chính món đó.
Game cũng giới thiệu các tính năng mới mẻ như Relic giúp bổ trợ cho người chơi. Ngoài chiếc cánh giúp bay nhảy còn có nhiều món hấp dẫn khác như ván trượt nước giúp di chuyển trên mặt nước thay vì bơi hay tổ hợp tên lửa bắn ra tên lửa chùm trợ chiến. Mỗi người chỉ được trang bị 2 relic để sử dụng vì vậy tùy tình huống sẽ có cách hoán đổi phù hợp.
Một chức năng thêm khác là phương tiện di chuyển. Game sẽ tặng bạn một món cơ bản là chiếc xe môtô khi làm nhiệm vụ cốt truyện và quà tân thủ là khối rubic. Các phương tiện này sẽ giúp bạn chạy quãng đường dài nhanh hơn, thích hợp để di chuyển nhận nhiệm vụ hay hái lượm tài nguyên.
Tower of Fantasy sử dụng tình trạng luôn online, vì thế bạn không cần phải bật lên bằng tay. Bù lại bạn cũng không thể “pause game” bằng cách mở giao diện rương đồ được. Nếu bạn muốn kiểm tra rương đồ, nâng cấp vũ khí hay làm gì đó tương tự hãy tìm chỗ an toàn để đứng đã. Quái có thể tấn công bạn thoải mái nếu nó phát hiện bạn đứng sững ra đó kiểm tra thùng đồ mà không phòng bị.
Mặc dù chú trọng khám phá thế giới và nhiệm vụ cốt truyện nhưng Tower of Fantasy cũng có những hoạt động cộng đồng riêng. Nhiều phụ bản cung cấp các trang bị hiếm hay cho thêm tài nguyên được chế tác dành cho nối mạng chơi theo đội. Thậm chí game cũng có hệ thống bang hội gọi là Crew. Bạn cũng có thể bắt gặp người chơi khác lang thang trong hành trình của bạn, cùng nhau đánh một khu trại địch hay bất ngờ gặp bên đường.
Nhìn chung, Tower of Fantasy có thể nói là có điểm tương đồng với Genshin Impact nhưng nó cũng có những đặc điểm riêng biệt. Vì vậy, nếu một ngày mệt mỏi với game này bạn có thể thử chuyển sang game kia. Vừa đủ giống để bạn làm quen nhanh chóng nhưng cũng có những khác biệt đủ để bạn cảm thấy mới lạ.
Bình luận