Mặc dù chất lượng phải nói là xứng tầm với danh tiếng của Blizzard và NetEase nhưng không phải game thủ Việt nào cũng chơi được Diablo Immortal.
Là một fan Diablo từ phần 2 rồi đến phần 3 và đang chờ đợi phần 4, tôi cảm thấy có chút háo hức khi nghe về việc Diablo Immortal sẽ phát hành quốc tế. Thực ra theo nhiều nguồn tin thì game đã được NetEase phát hành thử nghiệm tại thị trường Trung Quốc từ trước và kết quả không tốt lắm. Tuy vậy, khi thấy cộng đồng game quốc tế rất chú ý đến nó thì một fan như tôi cũng khó mà bỏ qua sự tò mò này.
Điều đầu tiên bạn cần phải biết là game… cấm vùng Việt Nam. Bạn sẽ không thể tìm ra game trên Google Play Việt, nếu dùng link từ trang quốc tế thì không có nút tải về. Nhưng nó chẳng phải trở ngại với những tay chơi mobile chuyên vượt rào, bạn chỉ cần tìm được bộ cài ở một nguồn “sạch” tin cậy là có thể chơi bình thường. Tôi thì sẵn có Tap Tap trong máy nên cứ thế dựa vào mà tải về thôi.
Không biết có phải do cấm Việt Nam hay không nhưng khi mở game thì tôi không đăng nhập bằng tài khoản Battlenet vùng Việt Nam của mình được. Bù lại dùng tài khoản guest (local) thì chơi tốt, các server đều khá lag vì nhiều người chơi nên tôi chọn vùng an toàn là vùng châu đại dương có ping tốt nhất so với các vùng khác.
Vậy là xong phần thủ tục vào game, giờ là phần chơi chính. Diablo Immortal cung cấp 6 class quen thuộc là Barbarian, Wizard, Demon Hunter, Monk, Crusader, Necromancer lấy từ Diablo 3. Mỗi class có 2 lựa chọn giới tính là nam hoặc nữ. Vậy là bước vào thế giới game thôi.
Cốt truyện Diablo Immortal nói về thế giới 5 năm sau phần 2, tức là thời điểm nằm giữa Diablo 2 và Diablo 3. Sau khi Baal làm ô nhiễm thánh vật WorldStone khiến tổng lãnh thiên thần Tyrael phải phá hủy luôn nó để tránh trở thành công cụ trong tay bọn Demon. Việc phá hủy tạo nên một vụ nổ cực lớn hủy diệt vùng Arreat Plateau và có một số mảnh vỡ WorldStone bị ô nhiễm đã văng khắp thế giới Sanctuary. 5 năm sau đó, một cuộc săn lùng các mảnh vỡ này bắt đầu khi phe demon trỗi dậy mạnh mẽ và tích cực tìm kiếm chúng.
Lúc này, giữa chiến loạn khủng khiếp, người anh hùng nhân vật chính xuất hiện sát cánh cùng các nhân vật quen thuộc như Deckard Cain tìm cách tiêu hủy những mảnh vỡ bị ô nhiễm tà khí này tránh cho trần gian một thảm họa hủy diệt.
Có thể bạn muốn xem thêm: Diablo Immortal mở đăng ký trước trước khi phát hành trong năm nay
Phần khá thú vị nằm ở trải nghiệm gameplay có thể nói là khó có game nào làm được. Đó là khiến bạn có cảm giác Diablo Immortal chuyển dần dần từ game offline sang game online. Ban đầu bạn sẽ chơi hoàn toàn theo cốt truyện ở chương làng Wortham, cảm giác không khác gì Diablo 3 chơi trên điện thoại.
Tuy nhiên sang đến chương sau thì các tính năng online xuất hiện và cả thế giới mở bung cửa với bạn. Bạn sẽ được mở auto chạy, các nhiệm vụ chuyển từ kiểu định hướng tìm NPC này, đi sang chỗ kia thành yêu cầu giết số lượng quái bao nhiêu. Hàng loạt người chơi khác cũng xuất hiện trên màn mình của bạn. Họ di chuyển, đánh quái ngay trước mắt bạn như những game online cổ điển.
Diablo Immortal là một game online, nhưng cái kiểu chơi online của nó không giống những game phổ thông khác. Tức là không có hàng loạt tính năng cày phụ bản thu hoạch nguyên liệu các thứ. Thay vào đó bạn sẽ đi theo cốt truyện tương tự Diablo 3 nhưng với tính năng chơi online rộng hơn một chút. Bạn sẽ ở trong một bản đồ dùng chung với nhiều game thủ khác, nhìn thấy nhau, lập tổ đội cùng chiến đấu, thậm chí hồi sinh cho nhau.
Chức năng bang hội được chỉnh sửa lại thành một cái tên khác là Warband (tạm dịch là chiến đoàn). Chiến đoàn có tính chất khá giống với Guild (bang hội) nhưng số lượng thành viên rất giới hạn, chỉ có 8 người. Theo mô tả trong game thì chiến đoàn là tập hợp của những người thường xuyên chiến đấu cùng nhau, kiểu một hội bạn thân cùng chơi thay vì hàng chục người lạ cùng tập hợp lại.
Hình thức thấp hơn là party tổ đội, có thể gọi là chiến đội, nó sẽ gồm 4 người và bạn có thể tuyển tự động bằng chức năng party finder.
Nói một cách nào đó, bạn sẽ chơi Diablo một mình hoặc theo hình thức hợp tác tổ đội và nếu có một nhóm chơi thân thường xuyên đi cùng nhau thì có thể tạo chiến đoàn để tiện liên lạc và sinh hoạt.
Là một game online thì đương nhiên sẽ có cash shop. Diablo Immortal chào hàng một số gói cơ bản bao gồm tài nguyên và một số đồ trang trí cho nhân vật với nhiều mức giá tiền khác nhau. Nó cũng cung cấp gói miễn phí mỗi ngày coi như phúc lợi cho dân cày không nạp tiền. Nhiều thông tin cho thấy ở các cấp cao hơn sẽ bán các vé đi phụ bản để cày đồ cam (loại trang bị xịn nhất game gọi là legendary) và đó sẽ là chỗ phân hóa giữa người nạp và không nạp tiền.
Có thể nói điểm sáng lớn nhất của Diablo Immortal chính là cơ chế chơi cốt truyện. Câu chuyện của thế giới Diablo một lần nữa được tận dụng tối đa. Các nhiệm vụ gắn chặt với cốt truyện chứ không đơn thuần là gặp người này, giết quái kia trong game phổ thông. Diễn biến cốt truyện có nhiều nút thắt như một bộ phim khiến bạn luôn muốn cày quest cho nhanh để biết bước kế tiếp là gì.
Bù lại, nó cũng làm nổi lên một điểm yếu của Diablo Immortal với game thủ Việt đó là… tiếng Anh. Game không có hỗ trợ tiếng Việt vì vậy bạn muốn cảm nhận cốt truyện cần phải có trình độ đọc hiểu tiếng Anh. Với một tên du mục chuyên chơi game quốc tế như tôi thì nó chẳng đáng ngại nhưng với game thủ quen chơi game duy nhất ở thị trường Việt thì đó là một rào cản rất khó chịu.
Điểm sáng thứ 2 chính là độ chi tiết của game, nó thừa hưởng nhiều từ Diablo 3. Khi bạn trang bị một món gì đó lên người, mô hình nhân vật lập tức thay đổi theo, từ cái áo cái mũ, tấm khiên cho đến thứ nhỏ hơn như cầu vai, găng tay, vũ khí. Chính nhờ điều đó nên thường sẽ khó có 2 người chơi nào trông giống nhau dù họ chọn cùng class nhân vật và cùng giới tính. Đặc biệt hơn, hiệu ứng vũ khí cũng sẽ thay đổi. Ví dụ bạn cầm một cây chày đánh quái âm thanh và độ rung màn hình sẽ khác khi bạn cầm kiếm chém. Từ đó bạn có thể cảm thấy độ “ngọt” của nhát kiếm hay độ “chấn động” của cái chày bổ vào kẻ địch.
Điểm khó chịu nhất của Diablo Immortal có lẽ là… lag. Do phải chơi “lậu” từ Việt Nam nên ngay cả ở server gần nhất bạn vẫn bị lag. Điều này đã trở thành truyền thống mỗi khi game của Blizzard ra mắt, đặc biệt hồi Diablo 3 ra mắt game đã lag gần cả tuần liền vì quá nhiều người đổ xô vào chơi.
Kế tiếp, do Diablo Immortal quá đồ sộ nên bộ cài của nó được chia ra từng phần, chơi đến đâu sẽ tải đến đó. Nó là thứ quá bình thường với các game chất lượng cao. Nhưng khi bạn nhìn vào danh sách tải của nó có thể… ngất xỉu. Có hơn 1 chục hạng mục khác nhau mỗi cái cũng từ 200MB – 1GB, nên nếu tải trọn bộ đầy đủ về tôi e là phải tốn tầm 10 – 20GB. Một con số khủng khiếp với điện thoại di động.
Một thứ khác đối với tôi thì không sao nhưng với game thủ Việt thì có lẽ sẽ khó chịu. Đó chính là phải chơi bằng tay hầu như 100%. Chức năng tự chạy chỉ hỗ trợ di chuyển giữa các khu vực không quái, còn lại game chỉ dẫn đường qua hình những dấu chân trên mặt đất. Còn di chuyển và đánh quái là tự làm toàn bộ. Bù lại bạn có thể trải nghiệm độ đã tay khi đánh nhau kiểu Diablo. Ngoài các kỹ năng theo từng class bạn còn có một “đòn Ulti” cực mạnh.
Mặc dù đồ họa game được làm khá tốt nhưng khi nhìn kỹ bạn sẽ thấy nó còn khá thô. Đối với tôi, đây cũng tính là một điểm chưa tốt. Nhờ màn hình nhỏ của điện thoại khiến bạn không dễ nhận ra nếu không soi nhưng nếu chụp màn hình rồi mở lên bạn sẽ nhận ra những chi tiết thô đầy răng cưa và râu ria.
Nhìn chung, Diablo Immortal là một sản phẩm đáng chơi đối với fan của dòng game này và những tay du mục chuyên vượt rào chơi game quốc tế. Riêng với game thủ Việt có vốn tiếng Anh hạn chế hoặc không quen chơi trong tình trạng lag thì nó sẽ là một miếng bánh khó ăn dù nhìn thì lộng lẫy đấy. Việc cấm vùng Việt Nam có thể là biểu hiện của việc ai đó đang mua bản quyền và rất có khả năng một NPH nào đó sẽ mang game về Việt Nam. Tất nhiên đó chỉ là phỏng đoán nhưng dù sao cũng là một hy vọng cho dân game nội địa về một bản Việt hóa và không lag của Diablo Immortal.
Bình luận