Potionomics – Gian thương bán thuốc và món nợ trên trời rơi xuống

Tựa game Potionomics là một câu chuyện vui nhộn về một cô gái trẻ mở tiệm bán bình thuốc hồi máu nhưng bất ngờ lại rơi vào món nợ khủng.

Có vẻ như tôi lại có duyên với game quản lý bán hàng sau khi trải nghiệm Shop Heroes Legends lần trước. Đợt sự kiện Steam Next Fest đầu tháng 10 vừa qua tôi đã chú ý đến một số tựa game mới được giới thiệu trong đó có Potionomics. Giữa tháng 10 là thời điểm game này ra mắt, thế là lại tải về và trải nghiệm xem nó có gì đặc biệt không.

Ấn tượng lớn nhất mà bạn có thể tiếp cận ngay từ đầu chính là phong cách đồ họa kiểu hoạt hình 3D phương Tây. Không chỉ là cách vẽ mà các chuyển động cũng như biểu cảm của nhân vật đều gợi nhớ đến các siêu phẩm hoạt hình như Tangled, Hotel Transylvania, Despicable Me,…

Cốt truyện của Potionomics xoay quanh sự khởi nghiệp đầy hên xui của một cô gái trẻ tóc đỏ tên Sylvia. Cô có một người chú tên là Oswald đã lên đường đi làm ăn xa từ lúc cô còn bé, những gì liên hệ giữa 2 người chỉ là những bức thư thi thoảng đến và đi. Theo đó, ông Oswald là một người thích sáng chế nên đã di cư đến hòn đảo Rafta. Đây là nơi ngày xưa các anh hùng đã hợp sức tiêu diệt nữ phù thủy quyền năng Maven, hậu quả của cuộc chiến là hòn đảo bị biến thành một vùng nhiễu động phép thuật. Tất cả mọi thứ trên đảo đều có chứa phép thuật.

Bẵng đi nhiều năm, Sylvia lớn lên với cảm hứng chế dược từ ông chú đã theo học ngành này ở đại học. Giữa lúc đang học thì cô nhận được thư thông báo chú cô đã qua đời và để lại gia sản là tiệm chế dược chuyên bán các bình thuốc potion cho cô cháu gái.

Sylvia lập tức tìm đến Rafta để thừa kế nhưng đón chờ cô là một cửa tiệm hoang phế đổ nát và… món nợ 1.000.000 gold dành cho người thừa kế. Không còn cách nào khác vì đã lỡ nhận thừa kế, Sylvia đành phải tập tành lập nghiệp ở chính cửa tiệm đổ nát này để gầy dựng lại nó và trả món nợ trên trời rơi xuống. Cũng may cô bắt được một con cú già biết nói ở lậu trong nhà và tự xưng từng hợp tác với ông Oswald. Nó đã đồng hành cùng Sylvia và chỉ dẫn cô những bước cơ bản vào nghề. Nếu không tiệm bị tịch biên thì cú già cũng phải ra đường mất.

Cốt truyện của Potionomics sẽ tiếp tục tiến triển theo hành trình kinh doanh và trả nợ của Sylvia. Cô sẽ lần lượt gặp các nhân vật NPC vai phụ và được sự giúp đỡ từ chuyên môn của họ như anh chàng Quinn chuyên bán nguyên liệu, cô nàng Mint là nhà thám hiểm mới vào nghề hay ông hải tượng Muktuk chuyên đúc nồi nấu thuốc.

Potionomics đã xây dựng hệ thống các shop phụ trội để bổ trợ cho việc nấu các loại thuốc của Sylvia. Mỗi shop sẽ do một người bạn NPC quản lý. Ngoài việc cung cấp tài nguyên hay nâng cấp công trình họ còn có hệ thống tình cảm bạn bè như một game hẹn hò. Phần thưởng của những lần “nâng tim” sẽ là các lá bài đặc biệt trong chức năng đấu trí trả giá sẽ nói ở phần sau.

Điểm khác biệt nhất của Potionomics chính là chức năng trả giá được làm gần giống như game đấu bài. Tuy nhìn bề ngoài chức năng này có vẻ rườm rà nhưng khi tiếp cận thì nó không quá phức tạp. Nó thậm chí không phải là một game đấu bài vì chỉ có bạn ra bài mà thôi còn đối phương chỉ tung các hiệu ứng tác động một cách ngẫu nhiên.

Sylvia sẽ có các lá bài thể hiện các chiến thuật đẩy đưa nhằm nâng giá bán các món đồ và thuyết phục khách hàng mua ở mức giá cao. Khách hàng sẽ trả lời ở lượt của mình và tạo nhiều hiệu ứng bất lợi để đối kháng lại, chúng đôi khi sẽ tạo ra stress cho Sylvia. Nếu Stress tăng đến 100% thì Sylvia sẽ mất khả năng trả giá và thua cuộc.

Bạn sẽ có nhiều cơ hội để biến tấu bộ bài cơ bản của mình. Khi kết bạn và tăng độ thân thiết với các NPC, bạn sẽ nhận được các lá bài mới mạnh hơn thông qua học hỏi lời khuyên của họ về nghệ thuật ứng xử.

Có thể bạn muốn xem thêm: Go Heroes – Game nhập vai thu thập anh hùng không giống ai

Về phần kinh doanh, không hẳn là mọi thứ đều suông sẻ mỗi ngày. Một ngày sẽ được chia ra làm 6 khung giờ và chúng sẽ được dùng làm đơn vị tính thời gian. Bạn nấu một nồi thuốc mất từ 2 giờ trở lên, mở bán cửa hàng mất 2 giờ mỗi lượt, đi ra ngoài để tìm các NPC để nhập hàng hay nâng cấp cửa hàng sẽ mất 1 giờ. Khi bạn dành thời gian để trò chuyện hoặc đi chơi cùng các NPC giúp tăng độ thân thiện và sau đó tham gia event để tăng cấp thân thiện đều tốn mỗi phần 1 giờ. Quản lý thời gian trong ngày là một điều khá đau đầu khi bạn chưa quen cách chơi của Potionomics.

Mỗi ngày cũng sẽ có những sự kiện khác nhau xảy ra có thể làm thay đổi giá của các thứ. Có những sự cố ở các nơi làm ảnh hưởng đến giá nguyên liệu hoặc trực tiếp làm tăng hay giảm giá thị trường của các bình thuốc mà bạn bán ra. Chính vì vậy điều chỉnh món hàng kinh doanh, tránh nấu và bán những món đang mất giá cũng là một thử thách.

Cốt truyện của Potionomics cũng đặt ra một loạt mốc thử thách có thể trực tiếp dẫn tới game over. Đó là bạn đang mắc số nợ rất lớn và phải trả theo thời điểm với số tiền tăng dần. Sylvia phải tham gia cuộc thi nấu thuốc trong thành phố để kiếm tiền thưởng trả nợ. Chính vì vậy trong thời hạn số ngày được cho Sylvia phải nấu được các bình thuốc đạt đủ chất lượng mang đi thi. Nếu thất bại bạn sẽ bị tịch biên tài sản vì không kịp trả nợ và bị game over.

Chính kiểu thiết kế dạng “rogue-lite” này sẽ khiến bạn phải chơi lại 10 ngày đầu game vài lần mới có thể thắng một giai đoạn của cuộc thi.

Tất nhiên để nấu được một bình thuốc “5 sao” bạn phải kết hợp rất nhiều thứ từ việc tìm ra các nguyên liệu mới có dược tính mạnh hơn cho đến nâng cấp cái nồi nấu cho to hơn để chứa nhiều nguyên liệu hơn. Để làm kịp việc đó trong số ngày giới hạn là một thử thách phải được rút ra từ nhiều lần thất bại.

Tổng hợp trải nghiệm thực tế của Potionomics khá là vui nhộn. Game lồng ghép rất nhiều thứ hài hước trong cốt truyện cũng như các câu thoại. Bạn cũng có thể chọn những câu trả lời mang tính đùa cợt hoặc lấy lòng người đối diện. Chế độ đấu trí để nâng giá bán lên qua một chút hên xui của rút bài có thể giúp bạn bán một món giá gấp rưỡi đến gấp đôi. Kèm theo đó là nhiều câu thoại đốp chát tích cực vặt nhau giữa người mua và người bán mà đọc có thể cười vỡ bụng.

Tất nhiên từ đó bạn cũng hiểu rằng điểm yếu lớn nhất của Potionomics là yêu cầu bạn phải biết tiếng Anh. Nếu không tất cả những trò đùa qua các câu thoại sẽ trở nên vô nghĩa và tính vui nhộn hài hước cũng giảm đi rất nhiều.

Từ đó nó lại dẫn đến điểm yếu thứ 2 là game dùng thoại quá nhiều. Từ các hướng dẫn tân thủ cho đến các tình huống gây cười đều là những cuộc trò chuyện dài dòng. Bạn có cảm giác mình đang chơi Visual Novel hoặc ngập trong thoại.

Có thể nói Potionomics là một game vui nhộn, hài hước, thú vị nhưng độ khó cũng không thể xem thường chút nào. Với các mốc trả nợ là các con đập ngăn dòng chảy cảm xúc của bạn. Trải nghiệm vui vẻ nhưng vẫn phải vắt óc tìm cách vượt qua thử thách để bước tiếp vào những giai đoạn sau. Đó là một tựa game kỳ lạ mà bạn nên chơi thử nếu muốn thử thách khả năng đọc hiểu tiếng Anh của mình.

Tải game: https://store.steampowered.com/app/1874490/Potionomics/

Yêu màu tím, thích màu hồng, cuộc đời lông bông... xách xe chạy rông phố phường.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet