Nhanh nhạy trong tính toán và tận dụng cơ hội, không ít game thủ đang làm giàu từ trò chơi đang rất được chú ý này bằng nhiều cách, từ trong sạch cho tới lừa đảo.
Overwatch là trò chơi đang tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới của hãng phát triển Blizzard và ngày càng có nhiều game thủ bị cuốn hút bởi phong cách chơi mới lạ, đồ họa ấn tượng của sản phẩm này.
Tuy nhiên, với mức giá bán khá cao, 60 USD cho phiên bản full box và 40 USD cho key để đăng ký game, không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm này. Bên cạnh đó việc đăng ký, cài đặt cũng như cách chơi của nó hay những luật lệ riêng của hãng phát triển cũng cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng.
Đĩa game có giá 60 USD, còn key game chỉ có giá 40 USD
Tuy nhiên, có cầu ắt sẽ có cung và không ít game thủ đã tìm ra nhiều cách khác nhau để kiếm tiền từ trò chơi này. Đầu tiên là những game thủ đứng ra nhận làm trung gian, mua game về bán cho các game thủ không có thẻ thanh toán quốc tế để mua hàng từ những website nước ngoài như Battle.net hay MOL.com, hai địa chỉ bán key game uy tín nhất hiện nay. Khi đó người chơi sẽ chỉ phải trả một khoản phí nhỏ để có thể dễ dàng sở hữu trò chơi này.
Phần lớn game thủ hiện nay chủ yếu lựa chọn việc mua key để có thể chơi ngày, bởi với phiên bản fullbox, tức là bao gồm đĩa game với một vài ưu đãi đi kèm, chi phí sẽ cao hơn do tiền công vận chuyển từ nước ngoài về. Mới đây một game thủ Việt đã đặt mua bản Collector’s Edition có giá bán 130 USD. Tuy nhiên nó có kích thước lớn, trọng lượng nặng tới vài kg và người mua buộc phải trả thêm phí hải quan tính thêm lên tới vài chục USD.
Dịch vụ cho thuê tài khoản Overwatch đang phát triển
Với các game thủ có ít kinh phí hơn, đã xuất hiện dịch vụ cho thuê tài khoản để trải nghiệm thử, giúp mọi người có thể đưa ra quyết định có mua game hay không trước khi rút ví. Mức giá thuê hiện đang được nhiều người chơi chào mời khá rẻ là 30.000 đồng/ 1 ca 10 tiếng, tương đương với 3.000 đồng mỗi tiếng thuê tài khoản để chơi game.
Các tài khoản game sau khi chơi có thể bán lại cho bạn bè hoặc người lạ
Một số game thủ khác sau khi đã “cày” được một thời gian, sở hữu kha khá skin của các nhân vật, hiện đang có nhu cầu bán lại tài khoản của mình cho những người mới tập chơi. Mức giá bán tùy thuộc vào lượng tài nguyên cũng như các nhiệm vụ mà game thủ đã mở ra trong quá tình trải nghiệm trước đó.
Các món đồ ăn theo game cũng được nhập về bán ngày càng nhiều
Và với con sốt Overwatch đang chưa có dấu hiệu dừng lại, các mặt hàng phụ kiện ăn theo game cũng đang dần được chú ý tới. Nhiều shop bán đồ game hay cá nhân đang nhiệt tình rao bán các loại quần áo, mũ nón, đồ chơi liên quan tới game trên mạng xã hội.
Mức giá chung của những sản phẩm này chỉ từ vài chục cho tới vài trăm ngàn, tương đương với giá của các món đồ phụ kiện game khác như DOTA 2, LMHT trước kia. Ngoại trừ một vài món hàng độc như tượng nhân vật, các món vũ khí được thiết kế tinh xảo có giá riêng, hầu hết chúng đều ở mức chấp nhận được.
Mức giá rẻ thường kèm theo rủi ro lừa đảo lớn
Bên cạnh những cách “kiếm ăn” lành mạnh và hợp pháp này, cũng tồn tại không ít các cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người chơi, đặc biệt là các game thủ trẻ có tâm lý ham rẻ để lừa bán những mã game ảo.
Không ít game thủ rơi vào trường hợp trao tiền mà không nhận được hàng, hoặc key game sau một thời gian bị Blizzard khóa lại vì sử dụng thẻ Credit Card “chùa” để mua. Hầu hết nạn nhân đều không tìm được người bán để đòi lại số tiền đã mất trong những trường hợp này.
Tổng hợp
Bình luận