Bên cạnh việc chọn mua laptop, build PC chơi game, gaming gear cũng là một phần mà game thủ quan tâm nhưng thông thường luôn có những quan niệm sai lầm khi chọn mua.
DPI của chuột càng cao càng tốt
Quan niệm sai lầm của rất nhiều người khi thấy chuột càng có DPI cao nghĩa là càng xịn. Một số hay hiểu lầm DPI (Dots per inch) là độ nhạy của chuột, DPI thực chất là số điểm trong một đường thẳng có độ dài 1 inch trên màn hình. CPI (Counts per inch) mới là từ chính xác, đây là số pixel ảo mà cảm biến của chuột có thể đếm và nhận diện trong 1 inch thực tế (khoảng cách 1 inch trên bề mặt rê chuột).
Thực chất thì CPI của chuột quang bình thường chỉ nằm ở 800-1600, vậy CPI mấy ngàn ở đâu ra, đó là do nhà sản xuất chia nhỏ số CPI gốc đó ra bằng cách tách 1 CPI ra thành 2 hoặc nhiều CPI hơn nữa. Càng nhiều CPI – DPI thì sẽ gây ra vấn đề về độ chính xác của cảm biến chuột, vì có quá nhiều pixel ảo sẽ tạo nên hiện tượng nhiễu và dễ phát sinh lỗi đọc khi rê chuột. Vấn đề chính ở đây là một con chuột có 12000 CPI không hề thu thập nhiều thông tin khi rê hơn một con chuột 800-1600 CPI, điểm mấu chốt CPI chỉ là khoảng cách khi bạn rê chuột so với khoảng cách con trỏ di chuyển trên màn hình chứ không phải độ chính xác của chuột.
Vậy tại sao người ta lại quảng cáo chuột với CPI – DPI cao ngất ngưởng, để marketing với đánh bóng thương hiệu. Thậm chí những gamer chuyên nghiệp cũng không sử dụng DPI khủng long như vậy.
Không mua lót chuột hoặc mua loại dỏm
Đúng là không cần phải thật xịn, nhưng lót chuột chất lượng kém thứ nhất sẽ mau hư – điều hiển nhiên. Thứ 2 là bề mặt vải và kết cấu rất tệ, không những cho bạn cảm giác rê chuột không mượt mà nó còn làm mòn feet chuột rất nhanh nữa. Ngoài ra bề mặt của lót chuột không chất lượng sẽ làm chai cổ tay nếu sử dụng trong thời gian dài.
Không có lót chuột sẽ làm chuột xuống cấp rất nhanh, rê trên mặt bàn sẽ làm mòn feet chuột hay tệ hơn là bị trầy feet. Không những vậy mà mặt dưới của chuột còn dễ bám đất và bụi hơn, nhất là ỡ những khe rãnh ở feet.
Bàn phím cơ và giả cơ giá rẻ
Tất nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua một bàn phím cơ chất lượng khi cái giá của nó rẻ nhất là cũng gần 2 triệu. Lúc đó tâm lý người sử dụng sẽ thường chọn những mẫu được giới thiệu là bàn phím cơ hay giả cơ giá rẻ với đèn đóm đủ màu. Những loại bàn phím này thường chỉ lòe người sử dụng mà thôi, ví dụ như để là RGB trong khi LED thật sự chỉ có 7 màu mà thôi, hay quảng cáo là cơ nhưng thực chất là giả cơ hoặc sử dụng switch dỏm. Những người hên thì vớ được một con về sử dụng rất bền, số khác thì chỉ khoảng vài tháng là bắt đầu có triệu chứng
Với những ai chưa tiếp xúc hay đặt niềm tin nhiều vào bàn phím cơ thì bỏ số tiền lớn để mua một cái đầu tiên thì rất khó, vì vậy họ chọn cách mua cái rẻ hơn để “xài thử”. Nhưng những loại bạn phím đó không thể đem loại cảm giác của những bàn phím cơ chất lượng được, lúc đó sẽ dễ làm người sử dụng có ấn tượng xấu với bàn phím cơ. Vì vậy mà khi mua bàn phím, bạn nên theo tư tưởng “lên voi hoặc xuống chó”, nếu muốn mua bàn phím cơ thì phải chọn con nào chất lượng – không thì sử dụng bàn phím cao su tiếp, rồi để dành tiền để mua bàn phím cơ xịn.
Chọn tai nghe theo vẻ bề ngoài
Headphone hay headset là món không thể thiếu khi chơi game. Nhiều người thường chọn tai nghe như một loại trang sức, cái nào đẹp và bắt mắt thì mới mua trong khi 2 yếu tố tối quan trọng khi chọn mua tai nghe là độ thoải mái khi đeo và chất lượng âm thanh. Đây cũng là điểm yếu của người tiêu dùng khi mà các tai nghe với hãng lạ hoắc lại có thiết kế rất bắt mắt với đèn đóm. Nhưng khi sử dụng thì bạn mới thấy giống như tra tấn, miếng đệm thì cứng và không ôm hết vành tai.
Vì vậy mà chọn những mẫu tai nghe từ những hãng nổi tiếng cũng có lợi, vì được cả 2 yếu tố, tuy nhiên giá thành cũng còn là một trở ngại lớn. Nhưng hầu hết những hãng lớn cũng đã làm những mẫu có giá phải chăng rồi, chỉ cần khoảng hơn 1 triệu thôi là bạn sẽ sắm được một cái “ăn chắc mặc bền”.
Bình luận