Không một ai là không từng trải qua những tình cảnh dở khóc dở cười như thế này trong suốt nhiều năm chơi game trên PC, đặc biệt là trong thời kì vật vã với game crack.
Không phải ai sinh ra là cũng đã biết cách cài đặt game và chơi game. Bạn, cũng như tôi, chúng ta đã từng phải rất vất vả để tìm hiểu cách cài đặt và sử dụng chúng. Sẽ không đơn giản chút nào nếu như bạn sử dụng game crack chứ không phải game bản quyền. Và thậm chí kể cả khi cài đặt xong rồi, cũng chưa chắc đã chơi game một cách trọn vẹn được.
Cách đây hơn 15 năm, khi điện tử băng vẫn còn đang phổ biến, động tác duy nhất mà một game thủ phải làm để có thể chơi game đó là cắm băng vào đầu và thế là nó tự chạy. Khoảng thời gian sau khi PS1 tràn ngập thị trường, mọi thứ vẫn khá dễ dàng khi bạn cũng chỉ cần đút đĩa vào máy là xong. Sự tình bắt đầu khó khăn hơn rất nhiều khi PC phổ biến và game trên PC thì lại quá hấp dẫn, đã thế chỉ 7, 8K là bạn đã có thể sở hữu 1 đĩa game lậu rồi. Mọi thứ rắc rối và hài hước cũng bắt đầu từ đây với những hiểu lầm kinh điển một thời.
Copy biểu tượng game
Một trong những hành động ngáo ngơ nhất mọi thời đại đó chính là hiểu lầm: cứ copy icon game vào bộ nhớ di động (trước đây là đĩa mềm, sau này là usb) từ quán game hoặc một PC khác từ nhà bạn bè, người thân về máy PC của mình là có thể chơi được. Cứ ngỡ đó là chuyện cổ tích nhưng nó lại diễn ra cực kì phổ biến với những người không hiểu về cách hoạt động của một game trên máy tính. Điều này dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười khi chính game thủ đó lại mang điều ngớ ngẩn này đi hỏi tại các diễn đàn và mạng xã hội. Kết quả nhận được là những lời khuyên có phần “bổ ích hơn”.
Copy thư mục game
Hành động này nghe chừng có vẻ cao cấp hơn copy icon game khi game thủ đã hiểu được là không có file chạy kèm thì không thể nào chơi game được. Đương nhiên, trong đa số trường hợp thì nó không thể chơi được vì sai khác về vị trí ổ đĩa, sai khác sâu từ bên trong hệ điều hành. May mắn thay, sau này, các nhóm Crack nắm bắt được xu hướng người dùng nên họ quyết định tạo ra những bản game portable có thể cho bạn chơi mọi lúc mọi nơi chỉ bằng cách copy file nén và giải nén ở bất cứ PC nào mà bạn muốn, sau đó chỉ cần chạy file có đuôi .exe là xong.
Tưởng copy vào USB là có thể chơi được mọi nơi
Tương tự với hành động Copy thư mục game nhưng có phần cao cấp hơn. Đó là copy vào USB và nhầm tưởng rằng nó có thể chạy được trên mọi máy tính. Thật ra, đây là một suy nghĩ rất hay nhưng nó lại không đúng với các game có từ cách đây khá lâu khi các nhóm Crack chưa hề nghĩ đến việc người dùng sẽ sử dụng USB làm một thiết bị lưu trữ game có thể chơi được mọi lúc mọi nơi và ngoài ra họ cũng chưa có một giải pháp cụ thể để làm điều này. Chỉ đến khi các phần mềm Portable phổ biến, dường như hình thức này mới có giá trị. Nhầm tưởng trong quá khứ của rất nhiều game thủ giờ đây lại trở thành một sản phẩm có thật vào thời điểm hiện tại.
Tưởng Repack sẽ giải nén siêu nhanh
Các nhóm crack nổi tiếng, bên cạnh việc phát hành các bản game lậu đầy đủ cho phép bạn chỉ download trực tiếp về cài đặt là có thể chơi được. Tuy nhiên, nhằm giảm tải thời gian Download với một số người dùng có đường kết nối kém, các nhóm crack này đã tiến hành chế tác ra một bản Ultra-Rip hay Repack được nén chặt, loại bỏ 1 số các thành phần thừa thãi với dung lượng nhỏ giúp người dùng dễ dàng tải về. Đó là ưu điểm, còn nhược điểm chính là việc nó có thời gian giải nén cực kì lâu. Thông thường 1 game 40GB, nó sẽ phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể giải nén hết.
Đây cũng chính là thứ đánh vào tâm lý của các game thủ thiếu kiên nhẫn. Máy có cấu hình không cao, thường mất thời gian để giải nén các gói download này, dẫn tới việc nhiều người đã tưởng lỗi game, cho dù chỉ còn vài chục phần trăm nữa là giải nén hoàn tất. Tôi đã từng thử một số gói Repack nhưng nổi tiếng hơn cả là bản Repack của Crysis 2 do nhóm Blackbox thực hiện, dung lượng cực kì gọn gàng với 4.6GB nhưng thời gian dài nén có khi lên tới hơn… 3 giờ đồng hồ. Và cuối cùng đã phải ctrl+alt+del và xóa nó đi vì % giải nén cứ đứng mãi ở con số 70%.
Tưởng phần mềm liên quan toàn rác
Một tựa game bao giờ cũng đòi hỏi bạn phải cài đặt các phần mềm liên quan, chúng là những gì? Có thể là DirectX phiên bản mới nhất vào lúc game phát hành, phần mềm Microsoft Visual C++, .Net Framework… Đây cũng là thứ mà các game thủ mới bắt đầu cài game thường mắc phải, họ chẳng bao giờ chịu tích vào những ô phần mềm này, hiểu lầm rằng đó là những thứ chẳng liên quan chẳng bao giờ nên cài đặt vào cho nặng máy. Chỉ đến khi cài xong xuôi, vào game và xuất hiện thông báo lỗi cái này, thiếu cái kia, họ lại tưởng lỗi game và lập tức xóa luôn đi.
Tưởng cứ next là sẽ xong
“Mày cứ next cho anh” Đó là những gì mà ông chủ quán bán đĩa đã từng nói với tôi từ những ngày đầu mua game về chơi. Việc không biết tiếng anh đã khiến cho Auto next trở thành một thứ quá đỗi quen thuộc với nhiều người mà quên mất rằng bạn vô tình đã khiến cho hàng tá các phần mềm vớ vẩn, theo dõi người dùng tràn ngập trong máy tính. Cá biệt hơn nó còn hiện thông báo tùm lum trên màn hình và khiến máy tính chậm đi thấy rõ. Hiểu lầm này chỉ được giải quyết khi bạn thực sự hiểu mình đang làm cái gì, đang lựa chọn cái gì để cài vào máy, thay vì cứ thế mà next.
Trên đây là 6 nhầm lẫn ngớ ngẩn nhất về quá trình cài đặt và chơi game của game thủ Việt. Hi vọng, với các bạn mới bắt đầu làm quen với điều này hãy nhớ và tránh những hiểu lầm trên ra. Nếu các bạn có bất cứ điều gì muốn chia sẻ về kỉ niệm học cài đặt game của mình. Hãy comment ngay phần phía dưới.
Tổng hợp
Bình luận