Học hỏi và làm theo chiêu trò của nhau dường như là xu hướng mới cho các NPH Game ở Việt Nam.
Mua hàng loạt game online mới rồi đua nhau thả nổi
Hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng để nhớ hết được sản phẩm của một NPH Game ở giai đoạn 2016 này. Tuy nhiên điều này chẳng cho thấy thị trường đang phát triển phong phú về nhiều mặt mà chỉ thể hiện sự lúng túng trong chiến lược kinh doanh nơi các đơn vị. Thay vì tập trung vào số ít sản phẩm then chốt nhưng có khả năng giữ chân cộng đồng lâu thì họ lại chuyển hướng sang dạng “game thị trường”. Nhóm sản phẩm này có mức giá rẻ, nhiều ưu đãi kiểu mua 1 tặng…1 hộp lại không cần đến thủ tục giấy tờ lôi thôi nên trong trường hợp không còn người chơi hay gặp vấn đề nào nghiêm trọng về gameplay thì chỉ cần bỏ mặc để nó “tự sinh tự diệt” là được!
Đội ngũ vận hành sản phẩm ngày càng ít về quân số và quỹ thời gian chuẩn bị
Đó là so lượng sản phẩm mới quá nhiều mà nhân lực, vật lực không cho phép NPH Game mở rộng quy mô ra thêm nữa. Vì thế một nhóm nhỏ chỉ với vài thành viên có thể sẽ được trưng dụng đến mức tối đa với 2 hay 3 sản phẩm cùng lúc. Điều này làm cho chất lượng dịch vụ nhanh chóng bị loãng ra, thiếu sự đầu tư chuyên sâu, các vấn đề phát sinh không được giải quyết triệt để do quá ít thời gian mà công việc thì lúc nào cũng đầy ắp.
Mặt khác do quá trình chuyển ngữ một webgame hay game mobile online tỏ ra “dễ thở” hơn so với game client nên nó làm nảy sinh suy nghĩ ỷ y nơi NPH. Xác định mục tiêu là chỉ được sử dụng một khoảng thời gian ngắn, từ 1 đến 3 tháng để đẩy một game mới ra thị trường nên công tác chuẩn bị được thực hiện rất qua loa. Vì thế nên khi bắt đầu mở cửa, chúng ta mới bổ ngửa bởi hàng loạt vấn đề liên tục phát sinh ở nhiều mặt như dịch thuật, lỗi game, máy chủ,…
Ngày càng đặt nặng vấn đề doanh thu
Đây chính là hệ quả tất yếu của một thị trường thiếu sáng tạo, thiếu phương pháp quản lý và luôn phải e dè, cẩn trọng trong từng đường đi nước bước. Không thể tập trung vào những dự án đòi hỏi sự đầu tư cao, chất lượng tốt như trong quá khứ nên NPH Game buộc phải chuyển sang phương thức “đánh nhanh rút gọn” bằng hàng loạt game online kiểu hời hợt nhằm duy trì nguồn thu, bảo đảm hoạt động cho đơn vị mình.
Bên cạnh đó, áp lực từ phía NSX hay việc các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nước độn giá thỏa hiệp mua sản phẩm về Việt Nam lên cao nên khi game được ra mắt thì các doanh nghiệp này buộc phải đặt bút ký tiếp biên bản thỏa thuận đạt mức doanh thu mong muốn mà NSX đưa ra. Có thể xem đây là hình thức “chịu đấm ăn xôi” của NPH, chấp nhận lỗ lã, nhường phần hơn cho đối tác sản xuất để đổi lại quyền phát hành một trò chơi nào đó có chất lượng tương đối khá hơn so với mặt bằng chung hiện tại.
Bòn rút tiền khách hàng đến hơi thở sau cùng
“Đừng tiếc vì những gì mình không làm được mà hãy tiếc vì những gì mình không dám làm”, câu danh ngôn này đã được các NPH Game áp dụng triệt để trong việc “hút máu” game thủ để không phải hối tiếc nếu mai này game ngừng hoạt động. Thực tế làng game Việt trong những năm qua đã chứng kiến không ít trường hợp như vậy.
Biết rõ thực trạng lượng người chơi suy giảm, sức hút không còn đủ để gượng dậy trên thị trường nhưng vẫn vô tư tung ra hàng loạt sự kiện nối tiếp nhau – mà chủ yếu vẫn là thi thố xem ai nạp thẻ nhiều hơn để nhận hàng loạt vật phẩm quý hiếm. Rồi ngay sau đó là cú đánh trời giáng vào cộng đồng với thông báo ngừng hoạt động game vì đủ loại lý do trời hỡi.
Toàn thùng rỗng kêu to!
Một phương thức tiếp thị truyền thống và quảng bá sản phẩm của NPH là luôn phải đánh bóng, thổi phồng sản phẩm của mình lên và tôn vinh nó như một “thánh nhân” giữa đám “phàm phu” game online đang có trên thị trường. Điều này sẽ hợp lý và được người dùng ủng hộ nếu như trò chơi mà mình phát hành không phải là sự sao chép, đầy rẫy những điểm trùng lặp về cả mặt hình ảnh lẫn lối chơi.
Dẫu biết là thế nhưng vẫn còn nhiều NPH liên tục “dội bom” trên các phương tiện truyền thông về hàng loạt tính năng hấp dẫn, nội dung phong phú hay khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đây sẽ là tượng đài mới cho làng game Việt…để rồi nó vô tình trở thành con dao hai lưỡi mà các NPH đang chuyền tay nhau như một thú vui để tận dụng.
“Dìm hàng” đối thủ bằng nhiều chiêu trò bẩn
Thương trường là chiến trường, do đó mà cuộc cạnh tranh giữa các NPH Game sẽ không thể nào sạch bóng mánh khóe hay các chiêu trò nhằm câu khách. Tuy nhiên điều đáng nói là trong thời gian gần đây, một số đơn vị lại bất chấp tất cả để dạt được mục đích, lôi kéo cái nhìn của cộng đồng bằng mọi giá dù rằng có phải dùng đến “bom bẩn”. Một số ví dụ điển hình cho thể loại này là “treo đầu dê bán thịt chó” trên Google, bịa đặt nội dung để nhấn chìm đối thủ hay vay mượn trắng trợn hình ảnh từ game khác rồi tự nhấn nó là của mình.
Người làm game nhiệt huyết đang mất dần !
Sẽ không có một thị trường game online Việt Nam phát triển như hôm nay nếu như ông Lê Hồng Minh không cùng những người bạn lặn lội sang Trung Quốc với số tiền ít ỏi để tìm cách thương lượng, hòng đưa về một game online sơ khai để phục vụ người chơi trong nước. Sẽ không có những lựa chọn phong phú về thể loại cho game thủ nếu như không có quyết định mang tính đột phá của ông Nguyễn Anh Dũng với Audition, Phi Đội hay Đột Kích. Vẫn còn rất rất nhiều cá nhân như vậy ở giai đoạn đầu của làng game Việt, có thể họ không trực tiếp lộ diện trên mặt báo nhưng các đóng góp của họ cho sự phát triển chung là điều không thể chối cãi.
Tiếc thay, đội ngũ kế thừa đang tỏ ra yếu kém hơn quá nhiều so với thế hệ đàn anh. Có thể cùng chung niềm đam mê game nhưng chưa có được tầm nhìn, nhiệt huyết đối với công việc mà mình đang đảm nhận. Thay vào đó là mục tiêu về doanh thu với hàng loạt kế hoạch PR, MK luôn đuổi sát sau lưng trong khi sản phẩm ngày càng mất chất lượng nghiêm trọng. Bất mãn với cách điều hành, quản lý, lúng túng và thiếu quyết đoán, chưa có suy nghĩ tạo ra đường lối riêng mà chỉ làm theo số đông là những trở ngại không dễ vượt qua đối với bất kỳ ai muốn dân thân và đạt được thành công trên con đường làm game.
Bình luận