Trong thời điểm thị trường game online Việt đang bão hòa, mỗi tựa game có hàng loạt các sản phẩm thay thế với tính năng tương tự hoặc nhiều hơn thì việc nghỉ game hay đổi game khác là điều dễ hiểu, đặc biệt là với nhóm người chơi casual. Vậy nếu nghỉ game thì nên chọn thời điểm nào là thích hợp?
Ở đây chúng ta nên định nghĩa lại 1 ít về cụm từ “nghỉ game”, không nên hiểu việc nghỉ game là dừng chơi 1 tựa game hoàn toàn, không quay trở lại nữa. Thay vào đó việc nghỉ game có thể chỉ là tạm ngừng chơi 1 game trong 1 khoảng thời gian nhất định như 1-2 tuần đến khoảng 1-2 tháng. Mục đích của việc nghỉ game khá đa dạng như khi chuẩn bị cho 1 kì thi quan trọng (tốt nghiệp, chuyển cấp…), cảm giác chán game hay muốn thay đổi không khí, lịch làm việc cũng như sinh hoạt…
Có lẽ lý do phổ biến nhất của việc dừng chơi một tựa game là do cảm giác ức chế của người chơi trong quá trình thưởng thức game. Cảm giác này bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng điển hình nhất có thể nói đến là bỏ game do nản, hay “rage quit”. Đây là một phản ứng khá quen thuộc của người chơi game ở bất kì lứa tuổi nào khi họ không cảm thấy hứng thú, hay thậm chí là bị làm cụt hứng trong khi trải nghiệm 1 tựa game bất kì, từ việc pvp không thắng nổi ai, nâng đồ xịt cho đến các lý do không thể ảo hơn như “game khó combo/khó chơi” hay “bị bạn gái trong game bỏ”.
Điều này có thể phần nào chấp nhận được khi việc chơi game là để xả stress, thư giãn chứ không phải để bị ức chế. Nhưng với các lý do mang tính cá nhân như trên thì giải pháp hiệu quả nhất có thể thưởng thức game mà không muốn có nhiều thay đổi, có thể nói đơn giản là người chơi đó cần củng cố kĩ năng cá nhân cũng như không biến thế giới ảo trở thành một phần quá quan trọng trong đời sống tinh thần của mình, còn nếu không thể thực hiện được thì có lẽ là nên đổi game.
Về phía kĩ thuật, việc nghỉ game nên được thực hiện nếu như người chơi không còn hứng thú trong quá trinh thưởng thức game nữa. Điều này không có nghĩa là nản rồi bỏ game như đã đề cập ở trên mà nằm nhiều hơn ở một tựa game mà người chơi đang thưởng thức. Nói đơn giản, một game được cho là hay, hấp dẫn khi có thể khiến người chơi luôn ở trong trạng thái hưng phấn, kích thích, dù ở bất cứ giai đoạn nào của game.
Một ví dụ dễ hiểu có thể nhắc tới là các tựa game yêu cầu người chơi đối đầu trực tiếp (PVP) như dòng FPS, Brawler hay Moba, khi 80% các trận đấu không có đặc điểm nào giống nhau, khiến người chơi luôn ở trạng thái đang học hỏi, trau dồi kiến thức cũng như kĩ năng để có thể chơi một cách hiệu quả hơn.
Điều này cũng có thể nhận thấy trong số ít các tựa game nhập vai hành động như Monster Hunter Online, Vindictus, Phantasy Star Online hay Blade and Souls khi lấy phong cách chặt chém non-target làm tâm điểm thay vì chỉ sử dụng yếu tố nhập vai truyền thống, điều mà các tựa game đến từ Trung Quốc khó đạt được. Do đó có thể hiểu đơn giản rằng nếu một tựa game khiến bạn ngủ gật trong khi chơi (do chán) thì có lẽ đã đến thời điểm để bắt đầu trải nghiệm một sản phẩm khác.
Có lẽ việc quit game đã trở thành một việc quá quen thuộc với cộng đồng người chơi game Việt khi một phần đông người chơi thay game như thay áo, sẵn sàng bỏ một tựa game mà mình đang tham gia chỉ để lao vào một sản phẩm mới có tính năng tương tự, hay chạy theo một trào lưu đang nổi (điển hình như hiện tượng của dòng MOBA).
Nhưng nếu quit game chỉ vì những yếu tố trên sẽ chỉ khiến sức mạnh của cộng đồng game ngày càng giảm cũng như thị trường game trong nước càng trở nên lộn xộn với các sản phẩm kém chất lượng được tung ra hàng loạt nhằm đáp ứng các nhu cầu theo kiểu “lẩu thập cẩm” của người chơi. Do vậy nếu muốn các sản phẩm bom tấn được đưa về thì có lẽ chúng ta cần thay đổi lại bộ mặt của cộng đồng chơi game Việt đầu tiên, bắt đầu bằng việc gắn bó lâu dài với một tựa game (hay) trước… (còn hack với cheat ở đâu cũng có, vấn đề để này khi khác nói đến).
Bình luận