Vào ngày 21/10 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã chính thức vinh danh nhân vật truyện tranh Wonder Woman.
Vào ngày 21/10 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã chính thức vinh danh nhân vật truyện tranh Wonder Woman – Diana Prince làm đại sứ danh dự (Honorary Ambassador) về vấn đề nữ quyền. Buổi lễ được tổ chức tại khán phòng Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội của Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của hai =diễn viên nổi tiếng từng thể hiện nhân vật nữ siêu anh hùng kinh điển này trên màn ảnh: Lynda Carter (trong series Wonder Woman thập niên 1970) và Gal Gadot (trong các phim điện ảnh của DC sắp tới).
Tuy vậy quyết định này cũng vấp phải sự phản đối của chính các thành viên Liên Hiệp Quốc. Khoảng 50 nhân viên đã đứng tập trung tại cuối khán phòng, quay lưng vào sân khấu và giơ cao nắm đấm trong yên lặng suốt buổi lễ để bày tỏ ý kiến phản đối. Ngoài ra, một đơn kiến nghị online cũng được những thành viên này đưa lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đề nghị ông xem xét lại. Cho tới thời điểm hiện tại, lá đơn kiến nghị này đã thu thập được hơn 1000 chữ ký ủng hộ.
Nguyên nhân của sự phản đối này chủ yếu tập trung vào hai lý do. Thứ nhất, Wonder Woman là một nhân vật hư cấu, không hề có thực và do đó không thích hợp với vai trò đại sứ cho Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, trong đơn kiến nghị gửi lên Tổng Thư Ký Ban Ki-moon có nêu rõ: “Wonder Woman là một phụ nữ da trắng, với vòng 1 vĩ đại và tỉ lệ cơ thể phi thực, ăn mặc thiếu vải trong bộ đồ một mảnh long lanh màu lá cờ Mỹ, lộ đùi và đi bốt cao gối. Mọi đặc điểm của cô ấy đều trùng khớp với kiểu người mẫu poster rẻ tiền”.
Dù vậy, chức vụ Đại Sứ Danh Dự của Liên Hiệp Quốc – vị trí mà Wonder Woman được bổ nhiệm – không hề dành cho những nhân vật có thật trên đời. Vào năm 1998, Liên Hiệp Quốc từng vinh danh Gấu Winnie The Pooh làm Đại Sứ Danh Dự cho Tình Bạn. Tương tự, cô tiên Tinkerbell cũng trở thành Đại Sứ Danh Dự cho Môi Trường vào năm 2009. Một đại sứ danh dự sẽ trở thành gương mặt đại diện cho các chiến dịch của Liên Hiệp Quốc trên mạng xã hội, hướng tới những đối tượng trẻ tuổi như thiếu nhi và vị thành niên.
Với trường hợp của Wonder Woman, những hình ảnh của cô sẽ được dùng để quảng bá cho nữ quyền, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phân biệt đối xử. Còn những vai trò “thực tế” hơn như đi tuyên truyền, làm công tác từ thiện sẽ được Liên Hiệp Quốc giao cho các Đại Sứ Thiện Chí (như diễn viên Nicole Kidman và Anne Hathaway), chứ không phải Đại Sứ Danh Dự. Nói cách khác, việc phản đối Wonder Woman vào chức vụ Đại Sứ Danh Dự vì cô là nhân vật hư cấu là hoàn toàn không xác đáng.
Tinkerbell trở thành Đại Sứ Danh Dự Liên Hiệp Quốc năm 2009.
Không chỉ có vậy, trong suốt 75 năm tồn tại, Wonder Woman đã chứng tỏ mình mang ý nghĩa cao hơn một nhân vật truyện tranh bình thường rất nhiều. Cô là nữ siêu anh hùng đầu tiên ra đời hoàn toàn độc lập, chứ không phải với tư cách “phiên bản nữ” của một nam nhân vật nổi tiếng (như Supergirl, Miss Marvel) hay bạn gái của nhân vật chính (như Lois Lane, Mary Jane Watson). Ngay từ những năm đầu xuất bản, Wonder Woman đã mang hình mẫu phụ nữ hiện đại vô cùng rõ ràng.
Những cuộc phiêu lưu chống tội ác của cô luôn kết thúc bằng việc cô tự giải thoát cho chính mình, chứ không phải ngồi yên chịu trói chờ “bạch mã hoàng tử” đến cứu. Bạn trai của Wonder Woman – Steve Trevor – cũng luôn tôn trọng, không bao giờ kiểm soát, đòi nắm quyền quyết định cuộc đời cô. Chưa hết, nếu Wonder Woman bị cho là có ngoại hình không “thực” thì người cộng tác chính luôn sát cánh bên cô – Etta Candy – lại vô cùng “thực”: tròn trịa, thấp béo và vui nhộn.
Etta Candy
Hình thể hấp dẫn của Wonder Woman, cộng thêm trang phục giống như áo tắm táo bạo của cô luôn là một trong những điều bị phản đối nhiều nhất khi có người công kích nhân vật này. Khi mới ra đời vào thập niên 1940, nhân vật Wonder Woman ăn mặc khá kín đáo so với ngày nay (mặc váy dài đến gối thay vì quần ngắn), tuy nhiên các tác giả truyện tranh đã “thu nhỏ” trang phục của cô như một cách thu hút độc giả (chủ yếu là nam) và tăng doanh số trong những năm 1950.
Về sau này, nhiều nỗ lực như “cải biên” bộ cánh trở thành áo giáp thay vì đồ bó sát thông thường, thêm áo choàng,… đã được thực hiện. Tuy nhiên đại chúng dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh Wonder Woman trong quần ngắn và áo không tay, được làm cho phổ biến nhờ vai diễn truyền hình của Lynda Carter. Vì thế, ngoại hình của Wonder Woman đúng là có phần chịu ảnh hưởng bởi thẩm mỹ của nam giới trong quá khứ.
Trang phục kinh điển của Lynda Carter trong vai Wonder Woman.
Tuy nhiên, không thể vì vậy mà kết luận ngay bề ngoài và trang phục của Wonder Woman chỉ mang ý nghĩa tiêu cực đối với phái nữ. Gốc gác nhân vật Diana dựa trên thần thoại của Hy Lạp, một nền văn hóa cổ đại luôn tôn vinh đẹp nữ giới. Phụ nữ Hy Lạp cổ luôn được dạy để yêu quý cơ thể mình, không cần ngần ngại và kiêng dè về nó.
Đáng tiếc là càng về sau, nữ giới càng mất đi cơ hội cảm thấy tự nhiên như vậy. Những lễ giáo phong kiến ở châu Âu và hơn hết là Trung Đông đã “đóng khung” phụ nữ trong đủ thứ trang phục gò ép như áo bó corset, áo nịt, khăn trùm đầu, mạng che mặt. Phụ nữ dần mất tự tin với cơ thể mình, vì ăn mặc thoải mái đối với họ là mất đi “đức hạnh” hay “phẩm giá”.
Trong khi nam giới được tự do hơn rất nhiều về khoản ăn mặc, thì phái nữ phải đi một hành trình dài để giải thoát mình khỏi những trang phục tù túng cũng như sự kiêng dè về thân thể, một điều mà nam giới rất ít khi phải trải qua. Năm 1965, cô người mẫu Anh Jean Shrimpton đến thăm Australia và ra mắt công chúng trong một chiếc váy không tay, viền váy kết thúc bên trên đầu gối. Ngay lập tức, những quý bà Úc kiểu cách thời đó lên án cô quyết liệt vì ăn mặc “hớ hênh, thiếu tế nhị”.
Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, kiểu váy của Shrimpton, mà ngày nay được biết đến rộng rãi với cái tên miniskirt – váy ngắn – đã được tất cả phụ nữ bắt chước và được chấp nhận trên toàn cầu. Rồi trong bộ phim Dr. No thuộc series Điệp Viên 007, diễn viên Ursula Andress có một cảnh quay kinh điển: đi lên từ bãi biển trong bộ bikini hai mảnh. Trang phục này ngay lập tức trở thành hiện tượng và được phái nữ nhiệt liệt sử dụng, dù trước đó áo tắm một mảnh đã được coi là giới hạn khoe da thịt khi đi bơi.
Bộ bikini huyền thoại của Ursula Andress trong phim 007.
Cả hai sự kiện này, dù bị kịch liệt lên án khi mới ra mắt, đã góp phần rất lớn giúp “giải thoát” phái nữ khỏi lối ăn mặc gò bó, lạc hậu của quá khứ, khiến họ thêm tự tin và thoải mái với thân thể của chính mình. Wonder Woman cũng vậy. Có thể trang phục của cô khiến nhiều người phản đối, bị xem là “hở hang” và “mồi chài độc giả nam”. Nhưng chính những hình ảnh ấy lại giúp xóa bỏ định kiến lỗi thời về thân thể nữ giới, gây ảnh hưởng tích cực trên toàn cầu qua danh tiếng của Wonder Woman.
Nhiều người vẫn lầm tưởng, đấu tranh cho nữ quyền luôn phải gắn với những lĩnh vực hệ trọng như chính trị, nhân đạo, mà bỏ quên những điều rất bình dị nhưng vô cùng cần thiết như chính trang phục hàng ngày của phụ nữ. Bên cạnh những tấm gương nữ quyền như Harriet Tubman, Rosa Parks, Angela Merkel, Hillary Clinton,… thì một nhân vật như Wonder Woman, dù hư cấu, vẫn có tác động không nhỏ tới phụ nữ trên khắp thế giới. Trong trang truyện tranh, cô là một nữ anh hùng chuyên trừ gian diệt bạo, thì ngoài đời thực, Wonder Woman là biểu tượng bền bỉ của người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, luôn thoải mái và tự tin với chính mình.
Bình luận