Liên Quân Mobile – Payna và Xeniel: Hồ máu nào hiệu quả hơn?

Liên Quân Mobile – Với sự xuất hiện của siêu Trợ Thủ kiêm Đỡ Đòn Xeniel, một meta mới đang dần dần được hình thành, khi một đội có thể lựa chọn chiến thuật đánh xoay quanh một Xạ Thủ cực mạnh nào đó, ví dụ như Violet hay Joker như cách người Đài Loan đã làm trong AIC cup. Hiện tại giá trị của Alice đang rất là lớn bởi số lượng đa dụng mà cô bé có thể đem lại cho một đội hình, làm giảm đi phần nào sự lựa chọn chiến thuật. Với bốn người còn lại, các Kiện Tướng chỉ nên cân nhắc chọn thêm một Trợ Thủ nữa mà thôi, bởi khi đội hình có thừa vị trí nào đó, ví dụ như Đấu Sĩ, Trợ Thủ hay đặc biệt hiện tại là Xạ Thủ, thì sẽ rất dễ dẫn tới việc giao tranh không hiệu quả do các yếu tố sức mạnh không được phân bổ đầy đủ. Hãy giả định Alice đã chiếm cứng một vị trí trong đội hình bảo kê Xạ Thủ, khi đội hình rất cần một Trợ Thủ hồi phục tốt chứ không phải là sát thương như Chaugnar, thì lúc đó Xeniel hay Payna, ai mới là hồ máu tốt nhất?

Payna

Thuật ngữ hồ máu lần đầu tiên được áp dụng cũng chính nhờ sự xuất hiện của Payna mà ra. Payna là mẫu Trợ Thủ có tính tương tác cực mạnh. Không như Alice đem lại giá trị liên tục theo thời gian, Payna trong lúc bình thường tương đối mờ nhạt, bởi bộ kĩ năng của nàng ta không phải toàn diện kiểu như Alice. Nếu các Kiện Tướng chơi Payna, phần lớn thời gian các Kiện Tướng làm trong lúc đi đường chắc là đánh thường giúp đồng đội đẩy đường, vì cấu máu cũng không lợi lắm, mà giao tranh khô máu thì giai đoạn đầu những Trợ Thủ dạng Pháp Sư như Payna hay Alice sẽ rất thiệt thòi so với đám Đỡ Đòn cục súc.

2game-29-11-1046-12.jpg (5920×3330)

Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi giao tranh giữa trận nổ ra, đặc biệt là những giao tranh đông người. Lúc đó các Kiện Tướng đối đầu với Payna sẽ phải giải một bài toán cực kì khó khăn: Hạ gục Payna bằng mọi giá trước khi cô ta hồi phục toàn bộ đội hình. Thế thì cũng chỉ như tập trung hạ gục một Pháp Sư thông thường thôi, có gì đâu? Vấn đề ở chỗ, như Alice, khi cô bé ném Dòng chảy thời không là coi như dùng được một nửa giá trị trong giao tranh rồi, chết thì cũng thế, và tập trung hỏa lực được. Trong khi đó, giá trị của Payna lại nằm ở thời gian cô ta có thể sống để sử dụng Ánh sáng thần thánh, thế nên Hội Đồng cũng cung cấp cho cô ta rất nhiều công cụ để sinh tồn trong thời gian dài khi bị đuổi giết. Payna vừa hồi máu liên tục cho bản thân, vừa làm chậm những kẻ tấn công mình đi 90% trong một giây, lại còn có thêm một chiêu cuối vừa gây làm chậm vừa gây choáng những kẻ ở gần. Các Kiện Tướng cứ thử tưởng tượng những thể loại như Nakroth, Murad, Airi áp sát vào tấn công Payna mà không thể đấm cô nàng chết ngay trong một tích tắc thì sẽ phải trải nghiệm cái cảm giác đứng trong Dòng chảy thời không của Alice, mà ở đây cái vũng lầy đó nó còn di động!

2game-29-11-1046-13.jpg (1280×755)

Cung cấp cho Payna nhiều sinh tồn như vậy là bởi Ánh sáng thần thánh là một kĩ năng hồi phục rất bá đạo. Nó không chỉ hồi máu theo chỉ số cơ bản, công phép cộng thêm, mà còn hồi theo cả lượng máu đã mất của các Kiện Tướng. Thế nên nếu đứng trong cái vùng đó đủ ba giây, Payna hoàn toàn có thể kéo nguyên nửa cây máu của cả đội lại và lật ngược thế cục giao tranh theo chiều hướng có lợi, khi đối thủ đã tung toàn bộ chiêu thức mà chẳng đạt được lợi ích gì về máu!

Xeniel

Xét về chất tướng thì Xeniel có chỉ số cơ bản giống với một Đấu Sĩ hơn là Đỡ Đòn, song tựu chung lại Xeniel vẫn là một Đỡ Đòn thôi vì Thần hộ thể cung cấp cho ông ta lượng chống chịu còn thiếu so với các Đỡ Đòn khác đó. Nếu như các Kiện Tướng lên theo kiểu nửa Pháp Sư cho Xeniel như Gildur thì sẽ không hiệu quả lắm vì Gildur ít ra còn có tỷ lệ cộng thêm công phép rất cao, trong khi Xeniel thì chỉ ở mức trung bình. Với một bộ kĩ năng cộng theo cả máu tối đa, và chỉ số cơ bản cao, thì hướng đi tốt nhất của Xeniel là Đỡ Đòn Trợ Thủ. Không nên là Đỡ Đòn mở giao tranh nhé, mang tiếng là có kĩ năng tăng chống chịu song Xeniel chưa thể so được với những quái vật như Toro hay Taara đâu.

2game-29-11-1046-14.jpg (1280×755)

Xét tới khả năng Trợ Thủ, thì Xeniel còn không có giá trị bằng Toro hay Lumburr trước cấp độ 4 luôn ấy chứ. Hai con trâu bò kia ít ra còn có sát thương, còn giúp Xạ Thủ khống chế đối thủ để tấn công/bỏ chạy, trong khi Xeniel thì chỉ có gãi gãi đối phương bằng cây chùy khổng lồ của mình. Tuy nhiên, kể từ cấp độ 4 trở đi, khi đã mở khóa được Sứ mệnh cứu thế, cũng là lúc Xeniel giải phóng toàn bộ giá trị của mình. Bất kể là ở đâu, chỉ cần có giao tranh, là Xeniel hoàn toàn có thể xuất hiện ngay lập tức. Điều này tạo ra một xu hướng chiến thuật cực hay, đó là đem Xeniel đi đẩy lẻ, và ép giao tranh ở đường còn lại. Lúc đó, bất kể là đối phương đưa người lên phòng thủ/bắt chết Xeniel hay chạy xuống phòng thủ đường cánh bên kia thì đội hình của Xeniel đều có lợi khi giao tranh thì sẽ hơn người hoặc ít nhất là hòa người, trong khi nếu bắt Xeniel thì 4 người còn lại sẽ đẩy bay một đường.

2game-29-11-1046-15.jpg (1280×755)

Thế nhưng giá trị của Sứ mệnh cứu thế không chỉ vậy! Kĩ năng này còn hồi rất nhiều máu cho đồng minh trên diện rộng, và khác với Payna, yêu cầu máu phải xuống thấp mới có giá trị, Xeniel chỉ cần đáp xuống là hồi luôn 15% máu tối đa. Với các Xạ Thủ, máu trung bình ở cuối trận khoảng 7000 còn Đỡ Đòn tầm 12000 thì chiêu cuối của Xeniel sẽ hồi loanh quanh tầm 1000 – 1800 máu ngay lập tức. Tất nhiên, do là chiêu cuối nên tác dụng bá đạo cũng hợp lý thôi, chưa kể thời gian hồi của Sứ mệnh cứu thế cũng dài gấp ba Ánh sáng thần thánh nữa.

Nếu như các Kiện Tướng đang tìm kiếm một Trợ Thủ có khả năng hồi phục tốt, thích hợp để chống đội hình càn vào thì Payna là một sự lựa chọn không thể hợp lý hơn. Song, khi các Kiện Tướng đang chơi đội hình càn lướt/bắt lẻ/đẩy lẻ, hoặc chỉ đơn giản là tìm kiếm một siêu-hồ-máu, thì Xeniel mới thật sự là hồ máu di động nhé!

Mình tên là Hoàng Văn Thành. Năm nay 23 tuổi hiện đang độc thân. Mình rất thích chơi thử các tựa game như Moba, game Sinh Tồn...để tìm hiểu về chúng. Mình khá nghiêm túc trong công việc nhưng cũng thích sụ vui vẻ.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet