Từ thấp thỏm cho đến lo lắng khi chơi game online ở Việt Nam

Trong những chuỗi ngày dài chinh chiến cùng game online, có những thứ làm bạn rất sợ hãi như chính những màn hù dọa đến rợn người từ những game kinh dị vậy. Nhưng có những thứ đôi lúc lại làm bạn phập phồng lo sợ xuất phát từ chính tựa game online mà bạn yêu thích cũng như đã dành tâm huyết để chơi vậy!

Thấp thỏm chờ đợi game online mới ra mắt

Những game online mới chuẩn bị ra mắt đa số đều làm cho người chơi luôn phấn khởi vì những tính năng mới, hay quan trọng hơn nữa là chất lượng đồ họa, sự cải tiến trong gameplay. Còn với những ai có điều kiện thì tất nhiên không phải lo gì cả, nhưng những ai không có điều kiện thì một đống câu hỏi sẽ tự xuất hiện trong đầu: “Không biết máy mình chơi nổi không ?”; “Nhà phát hành không biết như thế nào?”; “Game này có hút máu không ?”; “Không biết chơi ở đây có bị lag không ?” và còn nhiều câu hỏi khác nữa.

2game-game-thu-cay-event-ngay-tet-1s.jpg (1122×509)

Nhưng nói gì thì nói, một khi nghe tin game online mới về nước thì tất nhiên ai cũng háo hức trông chờ cả, không phải có mới nới cũ mà cảm giác lót dép hóng nó rất đã. Giống như hồi nhỏ mẹ đi chợ về hóng có bánh kẹo vậy đó! Và mỗi khi nói tới game mới sắp về Việt Nam, nếu chưa biết thông tin chính thức mà chỉ thấy teaser, trailer hay các bài quảng cáo là bắt đầu cầu nguyện đừng có là webgame hay mobile game kiểu thị trường nữa.

Tuy thị trường đã bão hòa với webgame rồi, hay thậm chí còn bội thực với các dạng game mobile online rập khuôn nhau nữa nhưng mỗi khi về là lại có hàng trăm ngàn người chơi. Những người mong chờ một game client chất lượng thì lại bặt vô âm tính, chờ dài cổ đói như chó sói luôn vẫn không thấy.

2game-5-cai-loi-cua-game-thu-viet-1s.jpg (700×464)

Mặc dù hoang mang là vậy nhưng khi ra mắt thì nhiều người vẫn ủng hộ, đặc biệt là các “đại gia chủ quán net” vì suy cho cùng thì đổ tiền vào một game client lớn hẳn hoi thì cảm thấy xứng đáng hơn một webgame nhiều và nếu có lỡ đứng top nạp thẻ thì cũng thấy oai hơn.

Chính vì những lí do như vậy mà người chơi gần như chai mặt khi tin có game mới, tới ngày vô chơi thử cho biết thôi chứ không có hóng từng ngày như trước nữa. Nếu không ưng ý thì lại quay về game cũ, hay tệ hơn là game đúng sở thích mà ngặt lỗi lại là “Đô la thần chưởng” thì cũng chịu thôi, để rồi quay lại game cũ mình hay chơi thì lại có vấn đề khác.

Và nỗi lo khi đang chơi say đắm một game online nào đó!

Đã bao giờ bạn tự hỏi không biết game mình chơi sẽ đi về đâu?! Nếu bạn đang chơi những game như webgame hay game mobile online kiểu thị trường thì câu hỏi này dần trở thành một dấu chấm hỏi lớn trong đầu bạn, vì sự thật thì webgame sống không thọ khi mà số lượng server ngày càng tăng dần với tốc độ cũng nhanh theo từng ngày.

Giống như cuộc sống vậy, cái gì nhanh quá cũng không tốt nhưng mà chậm quá cũng không tốt. Tốc độ phát triển của game quá nhanh thì tuổi thọ sẽ càng giảm mà chỉ thường áp dụng cho những game mới ra thôi, còn những game lão làng thì lại khác. Lấy ví dụ điển hình là Tân Thiên Long (Thiên Long Bát Bộ Online), hồi đó thì lúc đang thời hoàng kim thì newbie muốn chơi thì phải hóng dài cổ để ra server mới cho dễ cày cuốc, hoặc những dịp đặc biệt như năm mới thì ra một server chẳng hạn. Còn bây giờ thì game vẫn ra server mới, cỡ 2 tháng/server sau đó gộp những server nào vắng người lại, nhưng lượng người chơi vẫn được giữ ở mức ổn định.

2game-dong-cua-game-online-ngay-tet-4s.jpg (1200×665)

Việc ra server mới là cách thường gặp nhất ở các nhà phát hành game MMORPG. Người chơi Việt Nam cũng khá khôn khéo trong cách cày cuốc – hạn chế nạp tiền tối thiểu mà vẫn mạnh, hay những nhà chuyên gia cày game thì còn ghê hơn – đầu tư một khoảng tiền nhỏ vào game để rồi kiếm lại gấp nhiều lần hơn, Nhưng mở server mới có cái lợi và cũng có cái hại, cái lợi là độ hút máu của game sẽ ở mức chấp nhận được với những người chơi không nạp nhiều, lí do là vì có thể kiếm tiền ở các người chơi nạp tiền từ server mới. Cái hại là server mới ra thì server cũ sẽ bắt đầu vắng người, vì những người không bắt kịp ở server hiện tại sẽ lập tức làm lại từ đầu.

Còn những game mới ra thì tốc độ phát triển phải luôn giữ ở một mức ổn định. Nội dung mới được cập nhật thường xuyên, chứ không phải để cả nửa năm trời mới có một sự kiện hay có cập nhật mới. Tính năng cập nhật không được quá dồn dập, vì trước tiên là dần dần thì nhà phát triển cũng sẽ hết ý tưởng mà thôi, kế tiếp là người chơi sẽ bị ngộp và ngưới mới chơi cũng thấy hoảng mà chạy.

Nói đúng ra khi có nhiều nội dung mới được cập nhật thì cũng vui lắm, nhưng nếu nhà phát triển không duy trì được tốc độ đó thì game sẽ mau chán. Và cũng tùy game mà cho dù nội dung mới cập nhật nhanh hay chậm mà game vẫn được chơi đều đều, nếu chán thì chỉ cần nghỉ vài tuần là thèm chơi lại liền – điển hình là MOBA hay FPS.

Chơi game với cốt yếu là để vui, nhưng khi nói tới game online thì mục đích chính vẫn là thi thố, cạnh tranh với nhau là chính. Còn vui hơn nữa khi bạn tranh đua với bạn bè, giống như hồi đó vừa ra một game nào là rủ cá đống bạn chơi, để mỗi khi có đồ xịn thì có khối đứa để khoe cho nó tức chơi.

2game-game-thu-buon-ngay-tet-anh-3s.jpg (700×932)

Nhưng khi những người mình quen bắt đầu nghỉ dần thì bỗng nhiên game đang hay cũng tự nhiên trở thành chán, đó là một trong những thứ đáng sợ nhất. Nếu bạn thấy vẫn còn đam mê mà chơi thì vẫn có thể chơi được bình thường, bảo đảm là cường độ chơi sẽ giảm dần và đều cho tới khi cách mấy ngày mới vô game một lần, và lúc đó cũng là lúc bạn quyết định bỏ game đó luôn.

Nhìn chung khi còn chơi được game nghĩa là bạn đã có điều kiện và thời gian rồi. Đến khi lớn và bắt đầu đi làm kiếm tiền thì thời gian để bạn chơi game sẽ ngày càng hạn hẹp hơn, nếu bạn ngày càng chú tâm đi làm và dần dần không thích game nữa thì không sao, còn nếu bạn vẫn còn muốn chơi nhưng điều kiện không cho phép nữa thì còn đáng sợ hơn. Lúc đó cũng là lúc bạn nhận ra bạn có khả năng đứng top một game nào đó thì lại không có thời gian để chơi, quá nhọ cho cái sự đời!

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet