Ngoài việc là một trò chơi, Scrap Metal Factory còn tuyên truyền bảo vệ môi trường qua việc tái chế rác thải một cách… nó lạ lắm!
Nếu bạn là dân chơi game và hay lướt Facebook chắc sẽ không ít lần “va chạm” phải các quảng cáo game mới. Tôi cũng không thoát khỏi chuyện đó nhưng thường đó là những game kém chất lượng chuyên cào quảng cáo là chính, hoặc game mobile trong nước sắp ra mắt trong thời gian tới. Cho đến một ngày tôi đụng phải mẫu quảng cáo của Scrap Metal Factory, trông khá hay và sau khi kiểm tra kỹ thì có vẻ nó không phải là dạng game lởm cào quảng cáo từ người dùng. Ngẫm lại thì cũng lâu rồi toàn trải nghiệm game mobile dạng online nội địa, nay thử game rảnh tay chơi một mình xem sao.
Scrap Metal Factory là một game mobile dạng rảnh tay chơi đơn. Tức là nó thiết kế theo dạng “đóng” bạn chỉ chơi giải trí một mình là chính. Nói đây là một game offline cũng không hẳn vì nó yêu cầu có kết nối internet để load các chức năng liên quan đến quảng cáo.
Cốt truyện của Scrap Metal Factory khá đơn giản. Bạn là một gã đàn ông ở thành phố London vừa phá sản, mất công việc cũ. Giờ là lúc phải tính kế sinh nhai khác. Bạn nhìn quanh và nhận ra rằng thành phố đang bị bủa vây bởi rác thải công nghiệp. Thế là ý tưởng mới lóe lên, tại sao không rã đám rác thiết bị này ra linh kiện rồi bán kiếm lời? Sau một thời gian bán linh kiện rác, công việc phát triển, nhân viên đông lên và họ đề xuất ý tưởng hiện đại hóa dây chuyền bằng cách chế tạo các linh kiện rác thành thiết bị mới sẽ được nhiều tiền hơn.
Thế là một gã bụng bự tham tiền bỗng chốc trở thành anh hùng cải tạo môi trường. Không chỉ thâu tóm hết rác thải của thành phố để biến thành tiền mà bạn còn trở thành một tay chuyên xây dựng dây chuyền tái chế rác ở khắp thế giới.
Về phần cách chơi, hẳn bạn không lạ gì kiểu chơi rảnh tay khi bạn có một nhóm lâu la rồi xếp chúng vào đội hình và ung dung hưởng tiền rơi ra theo thời gian. Tuy nhiên Scrap Metal Factory có một cách biến tấu khác lạ. Nó chia yếu tố rảnh tay thu tiền theo từng màn chơi riêng lẻ. Mỗi màn chơi sẽ là việc tạo dựng một dây chuyền sản xuất từ đầu. Bạn phải dựng đủ các khâu cơ bản của dây chuyền mới bắt đầu có thể hưởng lợi.
Cơ bản thì các dây chuyền sẽ bao gồm 3 khâu chính tương ứng với 3 nhóm công nhân. Đầu tiên là tháo rời rác thải (nhóm Demolition), sau đó là chế tạo (nhóm Processing) và cuối cùng là chuyển hàng đi bán (nhóm Sales). Mỗi nhóm sẽ có các nhân vật riêng thực hiện công việc đặc thù gọi là manager, nhân sự các nhóm không thể làm thay việc cho nhau được. Cách để sở hữu các nhân sự này là quay các gói gacha, các gói này sẽ mở nhân vật mới hoặc cung cấp các mảnh nhân vật đã có để giúp lên cấp. Nhìn chung phần này sẽ giống các game thẻ tướng phổ thông.
Phần Processing là bộ phận đặc biệt vì nó sẽ không có 1 tầng duy nhất như Demolition hay Sales mà có thể chia làm nhiều tầng nhỏ. Các sản phẩm sẽ đi theo quy trình tinh chế dần từ thô thành cao cấp, giá tiền bán vật phẩm cũng sẽ tăng lên theo. Mỗi khâu đều sẽ có một mức level nhất định có thể đầu tư tiền để nâng cấp và nó sẽ cho ra sản phẩm cao giá hơn so với level cũ. Nói cách khác đây là một kiểu đầu tư xoay vòng.
Các khâu sẽ được chạy tự động bằng cách gán các manager của nhóm tương ứng vào để canh chừng. Và tất nhiên khi dây chuyền đã chạy tự động thì cho dù bạn có tắt game nó vẫn sinh ra tiền liên tục. Đó chính là cơ chế rảnh tay đặc biệt của Scrap Metal Factory. Mỗi khi bạn qua màn mới game sẽ đưa dây chuyền quay về điểm xuất phát nhưng bù lại sẽ là quà tặng qua màn giúp bạn tăng thêm sức mạnh hoặc kho nhân vật của mình. Bạn được phép mang dàn nhân vật của mình theo khi qua màn, chỉ có nhà máy là quay lại từ đầu.
Tất nhiên các màn cũng sẽ khác nhau, càng về sau các khâu giữa sẽ càng được tăng thêm cũng như các nhiệm vụ bắt buộc phải đạt được để qua màn cũng sẽ cầu kỳ hơn. Bạn sẽ cảm thấy sức nặng của các nhiệm vụ cũng như độ lớn ngày càng tăng của nhà máy bạn đang xây. Có thể ban đầu chỉ có 1 tầng Processing nhưng đến vài màn sau đó sẽ là 2 hoặc 3 tầng.
Scrap Metal Factory có cơ chế cân bằng khá tốt, nhất là giữa các tầng với nhau. Hiệu quả làm việc mỗi tầng phụ thuộc vào level. Nhưng khi tổng level tăng thì tầng Demolition sẽ bị tăng thời gian phá rác, các khối rác sẽ có HP cao hơn khiến việc đập vỡ chúng ra lấy linh kiện lâu hơn. Muốn nhanh thì bạn phải tiếp tục nâng level tầng Demolition để nó mạnh hơn.
Nếu tầng Demolition chậm trễ, toàn bộ các tầng khác sẽ “đói” linh kiện và bị trì trệ. Tương tự nếu các tầng khác quá yếu thì số tiền thu được khi bán thành phẩm sẽ rất ít, bạn sẽ khó chống lại số tiền cần có để tăng level cứ lũy tiến lên sau mỗi lần nâng cấp. Cuộc chạy đua này sẽ tiếp diễn vĩnh viễn cho đến khi bạn hoàn thành hết danh sách nhiệm vụ của màn.
Một điểm hay khác của Scrap Metal Factory là việc cân bằng doanh thu và cuộc chơi của người chơi không nạp tiền. Scrap Metal Factory lấy doanh thu bằng 2 cách là cho xem quảng cáo và cho nạp tiền. Nếu bạn không nạp tiền thì mỗi ngày sẽ có một số lượt xem quảng cáo để đổi lấy các tài nguyên. Trong màn chơi cũng thỉnh thoảng xuất hiện một con drone mang thùng quà, nếu bạn thích phần thưởng trong đó có thể đổi bằng 1 lần xem quảng cáo.
Đây là một giải pháp tồn tại rất lâu trong làng game mobile, tức là nếu bạn không nạp tiền có thể đổi việc xem quảng cáo làm tăng doanh thu thay thế cho nhà sản xuất. Mỗi clip quảng cáo kéo dài 30 giây nên bạn có thể bấm rồi vứt đó lướt Facebook hay làm gì đó ngắn hạn đến khi xong là được. Điểm hay của Scrap Metal Factory chính là cân bằng khá tốt điều này khiến bạn có thể chơi thoải mái mà không cần nạp tiền. Chỉ cần chịu khó xem quảng cáo bù và chúng cũng không cưỡng ép hay quá dày đặc. Nếu bạn không xem cũng chả sao cả, cứ thế chơi tiếp. Nó hoàn toàn khác các game lừa đảo luôn tự bật quảng cáo và ép bạn phải xem bằng mọi cách.
Bạn cũng có thể trả tiền để mua gói loại bỏ quảng cáo hoàn toàn. Tuy nhiên tôi khuyên bạn không nên dùng vì giá của nó rất chát, đến 682.000đ.
Nói đi cũng phải nói lại, Scrap Metal Factory cũng có một số điểm chưa ổn. Ví dụ như các nhiệm vụ của màn chơi có thể đòi hỏi một số thứ không liên quan hoặc nằm ngoài màn chơi. Có thể đó là yêu cầu bạn xem 1 đoạn quảng cáo, mua 1 mảnh manager, nghiên cứu 1 kỹ năng nội tại ở khu vực tổng hành dinh. Một số yêu cầu có thể khiến bạn có cảm giác mắc kẹt hoặc khó chịu vì nó chẳng liên quan gì đến màn đang chơi. Tuy nhiên các nhiệm vụ cũng được nghiên cứu khá kỹ, chúng ít khi dồn bạn vào thế bí mà thường chỉ làm tốn thêm thời gian để hoàn thành mà thôi.
Nhìn chung Scrap Metal Factory là một game có lối chơi thú vị, có thể chơi giải trí một mình và tắt game bất cứ lúc nào để sau đó quay lại chơi tiếp. Bạn có thể đổi việc xem quảng cáo thay cho nạp tiền để hưởng một số lợi ích. Đây có thể là một người bạn giúp giải trí nhanh mà không cần bận tâm thời gian hay chi phí nạp game.
Bình luận