4 kiểu game thủ mà ai cũng ghét cay ghét đắng khi gặp phải trong game online

Thế giới game online cũng như xã hội thực tại ngoài đời vậy, nó mô phỏng lại bản tính tốt – xấu của chính người chơi đó thông qua các hành động trong game.

Luôn tìm cách gian lận

Game được làm ra với cốt yếu là để giải trí, chơi để cho vui nhưng một số người thì lại không nghĩ như vậy. Đây là tật xấu mà nhiều người ghét và kì thị nhiều nhất, đặc biệt khi bạn tham gia vào các cộng đồng game nước ngoài sẽ rõ vì họ rất fair play, mỗi khi phát hiện cheater là đồng lòng Report các kiểu. Nhờ vậy mà số lượng cheater luôn được giữ ở mức khá thấp, và bạn cũng phải xui lắm thì mới gặp thôi. Vấn đề gian lận khi chơi game cũng xuất phát từ ý thức của mỗi người, tất nhiên ai cũng biết như vậy là xấu cả, có luật lệ hẳn hoi cả rồi nhưng mà vẫn làm.

Gian lận trong các vấn đề khác thì không nói, nhưng ngay cả giải trí cho chính bản thân mà cũng vậy thì đúng là hết thuốc chữa. Tuy vẫn có biện pháp ngăn ngừa ví dụ như khóa tài khoản từ các nhà phát hành nhưng nó chỉ có tác động mạnh đối các game có tính phí (Pay to Play) như Overwatch, bạn phải bỏ tiền để mua game nên nếu bạn hack thì đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận mất tiền.

2game-4-kieu-game-thu-cuc-ghet-trong-game-online-1s.jpg (1200×503)

Còn những game Free to play thì khác, khóa tài khoản này thì tạo cái mới để chơi, cứ một vòng luẩn quẩn như vậy xảy ra, thậm chí có nhiều tạo tài khoản mới rồi lại hack/cheat tiếp rồi hy vọng nhà phát hành sẽ bỏ sót mình để được tung hoành, nhưng thực tế thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện mà thôi. Những người chơi đó chắc chưa từng lóe lên một suy nghĩ “sao mình không chơi một cách trung thực như bao người khác, chứ không lẽ bị khóa tài khoản rồi tạo cái mới chơi lại hoài sao ?!”, nhưng chuyện đó chỉ có trong cổ tích mà thôi chứ thực tế mà được như vậy thì cheater đã không còn – ngay cả những người làm phần mềm cheat cũng không còn đất sống.

Cũng chính vì vậy mà khi chơi game mà lòng tự trọng và ý thức cũng đóng vai một vai trò khá quan trọng. Những người nhận thức được việc làm đó là xấu thì sẽ không bao giờ đụng tới, hoặc chỉ thử tìm hiểu rồi sau đó tránh xa. Còn những người gian lận đã biết đó là xấu nhưng vẫn lao đầu vào thì cần phải cách ly mạnh mẽ, nhưng việc đó cũng phải cần tới sự giúp đỡ từ những người chơi khác, chứ một mình nhà phát hành không thể làm hết được. Bạn muốn một thế giới ảo trong sạch thì bạn phải chung tay xử lý những hành vi xấu, còn những người thờ ơ trước những người chơi gian lận thì ngay cả bản thân họ cũng muốn bắt đầu chơi một cách gian lận rồi.

Thích bắt nạt người chơi yếu thế khác

Trong các game MMORPG, tính năng PK là thứ thường thấy nhất, nó chủ yếu để cho người chơi thi thố với nhau, hay dùng để tranh giành một cái gì đó. Mục đích chính thì không có gì xấu cả, nhưng một số người lại lạm dụng nó, mà mục tiêu lại là những người mới chơi hay những người chơi yếu hơn.

Hành động bắt nạt người chơi xuất phát từ ý thức và cả tính cách của người đó. Hay một số định nghĩa về game nói rằng “game là thế giới mà người ta thường thõa mãn những điều mà thường ngày không làm được”, có nghĩa là một số người thường ngày bị bắt nạt hay đối xử tệ ở ngoài đời – nên cách giải khuây cũng như trút bỏ uất ức duy nhất có thể làm là vào đồ sát newbie.

2game-4-kieu-game-thu-cuc-ghet-trong-game-online-2s.jpg (1200×675)

Còn một lí do khác đó là những người đi bắt nạt trong game thực chất đã bị như vậy lúc trước rồi, nên quyết tâm trở nên mạnh hơn để rồi hành hạ những người mới chơi, nhưng như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn. Thay vì đi bắt nạt newbie như mình đã từng bị trước đó, thì tại sao bạn lại không đi hành hiệp trượng nghĩa trừng phạt những người chơi hay đi bắt nạt ?! 

Đây là tật xấu của rất nhiều người, và nó còn hiện hữu nhiều hơn những chơi gian lận nữa. Điển hình là khi chơi các game nhập vai truyền thống ở Việt Nam thì bạn sẽ thấy, PK muôn nơi, mình thích là mình PK thôi. Nó như thành một thú vui rồi chứ không còn là tính năng tạo sự cạnh tranh giữa những người chơi nữa.

Cũng vì vậy mà các game thế hệ mới hiện nay hầu như bỏ hẳn tính năng PK tự do, để hạn chế những người chơi cuồng sát, thay vào đó là chế độ PvP để người chơi thách đấu với nhau, hay Arena để tập hợp một số lượng người chơi lớn để đánh nhau. Đó là hướng giải quyết rất tốt của các nhà phát triển game, theo mô hình phát triển cùng nhau – sau đó cạnh tranh và thi thố một cách công bằng và bình đẳng, loại bỏ hẳn mô hình cá lớn ăn cá bé.

Hay nóng giận và văng tục

Khi chơi game thì có rất nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng trong các game online thì đa số chỉ có 3 cảm xúc là vui – buồn – tức giận. Và khi nói tới tức giận thì phải có giải tỏa, cách người chơi trút giận là nói ra những lời lẽ không hay, đổ lỗi cho người khác. Bộc lộ cảm xúc là đúng vì suy cho cùng mình là con người chứ không phải máy móc, thậm chí tới robot như Wall-E mà còn biết yêu nữa mà.

Trút giận bằng lời nói cũng có một lợi ích nhỏ đó là giải tỏa được cơn nóng giận, nhưng nó lại ảnh hưởng tới những người xung quanh không bằng cách này thì cũng cách khác, nhưng trong lúc nóng giận bạn sẽ khó kiểm soát được mọi thứ vì người ta thường nói “giận quá mất khôn”.

Nên cách tốt nhất là bạn nên học cách kiềm chế và bỏ qua những chuyện làm mình tức giận, nói thì dễ hơn làm nhưng đó là cách tốt nhất để bạn tiếp tục chú tâm vào chơi. Game là thứ để bạn giải trí chứ không phải làm cho bạn bực tức, nên thay vào đó bạn nên gạt nó qua một bên và chú tâm xử lý vấn đề trước mắt.

Ví dụ bạn đang chơi một trận MOBA căng thẳng và tình thế đang nằm trên ngàn cân treo sợi tóc, nhưng một đồng đội lại chết vì bị bắt lẻ, lúc đó thay vì “mặt đỏ xì khói và tốc độ gõ phím tăng cao” thì bạn nên gạt nó qua một bên, tìm cách xử lý và câu giờ để chờ đồng đội hồi sinh.

Văng tục cũng xuất phát từ nóng giận và thường xuyên đi chung với nhau, nhưng một số người chơi lại sử dụng nó như một dạng ngôn ngữ hằng ngày cả trong game lẫn ngoài đời. Trong game thì những người chơi đó thường được gọi là “toxic player”, những người chơi này mắng chửi đồng đội hoặc những người chơi chung rất là ghê.

2game-4-kieu-game-thu-cuc-ghet-trong-game-online-3s.jpg (1280×720)

Nhưng toxic player cũng chia thành 2 dạng, một là chơi rất hay nhưng lại rất nóng tính nên hễ đồng đội mắc lỗi gì đó là mắng nhiết tới cùng. dạng thứ hai là chơi rất dở nhưng thích đổ thừa và gây sự. Ngoài ra cũng còn một dạng nữa là tức giận và văng tục chỉ với lí do nhỏ như con kiến, nguyên nhân cũng là do những người chơi này không biết kìm chế cơn nóng giận, và thường là không bình thường và hơi khìn khìn một chút.

Toxic player cũng xuất phát từ hoàn cảnh ngoài đời mà ra, đi kèm đó là tính đã nóng sẵn mà lại không biết kiềm chế. Ở ngoài đời nếu người chơi thường xuyên gặp những chuyện không vui, hoặc bị áp lực nào đó thì khi vào game họ sẽ rất dễ cáu bẳn trước mọi trường hợp. Nói thật ra thì cũng nên thông cảm cho họ một chút, bạn cứ thử tưởng tượng đi làm mệt phờ râu rồi làm vài trận MOBA hay FPS thư giãn, mà khi chơi đồng đội lại gánh luôn đội bạn thì thế nào? Nhưng nói đi thì cũng nói lại, bản thân những người chơi thuộc dạng toxic player cũng phải nên nhận thấy cái xấu của mình và cố gắng sửa đổi từng chút một, nếu không thì

Thói quen lừa đảo, chiếm đoạt khó từ bỏ

Lừa đảo trong thế giới ảo cũng có nhiều thứ, trong các game MMORPG thì lừa đảo item tiền bạc, còn các game không có những thứ đó thì lừa luôn cả một tài khoản. Tất nhiên lừa đảo thì thậm chí còn bị kì thị ghê hơn nữa, khác với những người chơi gian lận thì có một số sẽ thờ ơ, nhưng khi nói tới lừa đảo thì ai cũng dè chừng và xa lánh. Vậy tại sao một người chơi lại phải đi lừa đảo, câu trả lời cũng khá là khó khi người đó đã có sẵn tính tham, trong thế giới ảo thì không thể chôm đồ được rồi nên chỉ còn cách là lừa đảo thôi.

Tuy đây là hành động người chơi gây thiệt hại cho người chơi khác, nhưng cách phòng chống vẫn không có và dường như không hiệu quả lắm. Nên cách xử lý là giữa những người chơi với nhau, cảnh báo rằng nhân vật tên gì đó đi lừa đảo để mọi người tránh xa, hoặc phòng xa bằng cách không nên tin tưởng những người chơi trên mạng khi cho vay mượn những item có giá trị – trừ khi người chơi đó là một người bạn thực sự tin tưởng ngoài đời. Nhà phát hành cũng có cách giải quyết, nhưng kèm theo đó là bạn phải có bằng chứng hẳn hoi, nếu không thi rất khó để bạn lấy lại những gì đã mất. Gặp trường hợp không lấy lại được thì bạn phải đành coi nó như một bài học để lần sau rút kinh nghiệm thôi.

2game-4-kieu-game-thu-cuc-ghet-trong-game-online-4s.jpg (1200×747)

Và như đã nói, thói xấu này xuất phát từ lòng tham của người chơi. Người ta thường nói “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, nên những người chơi lừa đảo rất dễ tái phạm. Đặt trường hợp khi một người chơi đã từng lừa đảo, nhưng lại bị tẩy chay quá nhiều tới nỗi phải thay một bộ mặt mới bằng các tài khoản khác liên tục, cho tới khi người chơi đó không lừa được ai trong một khoảng thời gian thì lúc đó sẽ bắt đầu quen – và dần phục thiện. Nhưng cho tới khi được một chú gà con nào đó tin tưởng và giao cho một item quý giá, lúc đó lòng tham sẽ lại được đánh động, và tất cả chỉ còn tùy thuộc vào cuộc chiến nội tâm của người chơi đó mà thôi “chôm hay không chôm ?!”, nhưng thường là sẽ lại chôm tiếp.

Những hành động lừa đảo trong game tuy thấy khá nhẹ nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới uy tính trong thế giới ảo lẫn thế giới thật. Khi một nhân vật nào đó đã bị gắn mác lừa đảo 1 lần rồi thì bạn còn tin tưởng nữa không – trong khi đó chỉ là một nhân vật ảo mà bạn không biết mặt. Hay khi bạn quen biết một người nào đó, rồi tình cờ biết được người đó đi lừa đảo trong game thì chắc chắn vấn đề lòng tin của bạn sẽ bắt đầu lung lay.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet