Build PC cũng giống như chơi xếp hình lego, chúng ta cần đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó, từ màu sắc cho đến thứ tự các bộ phận đều có trật tự nhất định tương xứng nhau.
Đối với build PC, không phải các linh kiện nào trong máy cũng ráp được với những linh kiện khác mà cần có cổng cắm phù hợp và hiệu suất phù hợp thì máy tính mới chinh chiến trên mọi “đấu trường” được.
1. Giá cả
Không phải bất cứ linh kiện gì mà điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến khi định xây dựng một PC cho riêng mình là ngân sách bạn sẽ bỏ ra cho nó. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân bởi mỗi người khi build đều sẽ có những mục đích và sở thích khác nhau. Nếu bạn chỉ cần chơi game với những yêu cầu đồ hoạ “thường thường” không cần cao siêu như Dota 2, LoL, Hearthstone hay Overwatch thì một chiếc máy tính với tầm giá từ 10-15 triệu là đủ nhưng nếu bạn muốn chơi Ultra settings thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Thêm nữa, việc cân bằng ngân sách khi chọn và mua các linh kiện cũng là một vấn đề quan trọng cần phải để ý. Bạn không thể bỏ quá nhiều tiền vào VGA nhưng quên mất rằng còn đó những mainboard hay bộ nguồn được.
2. CPU
Với CPU, sẽ có vài thông tin quan trọng luôn luôn phải để ý đến, và cũng một trong những thước đo đánh giá xem máy tính của bạn chạy có mạnh và hiệu quả hay không:
Core: CPU hiện nay trên thị trường có thể tạm chia ra làm 4 loại phổ biến: 2 nhân, 4 nhân, 6 nhân, 8 nhân. Tất nhiên là số nhân càng cao thì CPU càng mạnh nhưng điều đó chỉ đúng khi bạn so sánh các CPU cùng dòng.
Ví dụ như chip i7 6 nhân của Intel vẫn mạnh hơn FX 8 nhân của AMD như thường. Thêm một điều quan trọng nữa là với số nhân càng cao hiệu suất làm việc đạt được cũng theo đó mà tăng, nhưng liệu bạn có cần dùng đến hiệu năng cao tới vậy không? Theo mình, với Intel (chip phổ biến và khuyên dùng) thì chỉ cần chip 4 nhân là có thể học hành, giải trí thoải mái không lo nghĩ rồi.
Xung nhịp: Tất nhiên là xung nhịp càng cao thì vòng xoay làm việc của máy tính càng tốt rồi. Nhưng cũng tương tự như số nhân, xung nhịp chỉ nên so sánh bởi các chip cùng dòng. Ví dụ Pentium 4 3,0 GHz đương nhiên kém hơn rất nhiều so với chip i3 1,7 GHz. Lý do là vì chip i3 có số nhân nhiều hơn.
Tiện đây cũng lưu ý thêm với các bạn một chút về số nhân, mỗi nhân có thể coi như có riêng 1 xung nhịp, ví dụ chip 2 cores 2 GHz thì mỗi nhân hoạt động đều có xung nhịp là 2 GHz. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn có nghĩa là máy có xung nhịp cao và nhiều core thì sẽ chạy tốt các phần mềm. Nhiều phần mềm hiện nay vẫn được thiết kế để chạy đơn luồng (single-threaded) nên nó chỉ tập trung vào 1 core của máy tính, dẫn đến hiệu suất chạy không tốt. Dù sao bạn cũng yên tâm vì ngày nay, các nhà sản xuất phần mềm đều cố gắng update phần mềm của mình chạy đa luồng (multi-threaded) rồi.
Cache (bộ nhớ đệm): Đây là phần thứ 3 nên được quan tâm mỗi khi bạn lựa chọn 1 chip nào đó. Hiện nay, các loại chip đều phổ biến với cache có thể từ 3 MB đến 8 MB. Tính năng chính của cache thực ra chỉ hữu ích khi sử dụng với các tác vụ tiêu tốn nhiều băng thông như encode hay nén video (có lẽ hữu ích nhiều hơn cho các youtuber). Khi mua chip cũng không nên chọn những model có cache quá thấp (dưới 3 MB), chọn tầm 6 MB là ổn rồi.
3. Mainboard
Sau khi chọn được chip ta tiếp tục chọn đến mainboard. Có rất nhiều bài viết hướng dẫn chọn linh kiện đầu tiên là mainboard vì bo mạch chủ như là một nền móng của một ngôi nhà và có móng thì mới xây lên được. Điều này là đúng nhưng cá nhân mình thấy nếu chọn được chip trước thì khi chọn mainboard sẽ dễ để chọn cổng cắm (socket) cho chip hơn, tiện việc nâng cấp máy sau này.
Chipset: Chipset là phần quan trọng bậc nhất trong mainboard (nói vậy chứ phần nào mình cũng thấy quan trọng hết). Giải thích đơn giản thì để CPU, RAM, VGA hay các thiết bị ngoại vi khác truyền dữ liệu thông suốt với nhau thì phải thông qua chipset. Không chỉ vậy, chipset còn hỗ trợ các chức năng khác như tích hợp card đồ hoạ, âm thanh hay cổng USB 3.0,… Và điều quan trọng cuối cùng khi lựa chọn chipset là bạn phải xem xét xem nó có hỗ trợ CPU mà bạn đã lựa chọn không.
Socket: Mỗi mainboard thường sẽ hỗ trợ cho một số loại chip với cổng cắm nhất định. Ví dụ như hiện nay, các chip của Intel đa số chia làm 4 loại socket: LGA2011, LGA1155, LGA1150, LGA1151. Trong 4 loại này thì LGA1150 và LGA1151 là đời mới nhất và sẽ còn được hỗ trợ trong thời gian ít nhất là vài năm tới nên nếu bạn muốn build PC ngay bây giờ thì nên chọn 1 trong 2 loại này, còn nếu bạn muốn giữ cẩm nang này để giành tiền về sau mới mua thì nên lưu ý về các loại socket mới mà Intel cung cấp, công nghệ tiên tiến nên bây giờ lỗi thời nhanh lắm. Còn với AMD thì hiện giờ sử dụng cổng AM3+ và AM4 là tốt nhất.
RAM: Các loại bộ nhớ RAM được sử dụng trên bo mạch chủ hầu hết đã bao gồm chuẩn công nghệ, tốc độ bus hay số khe cắm cho phép rồi. Vấn đề còn lại khi lựa chọn chủ yếu là xem xem tốc độ hỗ trợ của main đến đâu, xung nhịp bao nhiêu. Ví dụ như con MSI B150M Mortar có khe cắm DDR4 2133 MHz là quá ngon và đủ dùng, cũng rất được giới build PC ưa chuộng.
Những kiến thức cơ bản cho người mới bước vào con đường build PC (2)
Bình luận