Muốn cải thiện chỉ số FPS trong game, cần cân nhắc đến những yếu tố nào?

Frame Per Second (FPS) hay còn được biết đến với cái tên tỷ lệ khung hình trong một giây, là một chỉ số quy định số ảnh mà trong 1 giây card đồ họa của bạn có thể vẽ ra.

CPU và VGA

Trước hết là CPU, cũng tùy theo game mà CPU có quan trọng hay không. CPU chỉ xử lý logic của game là chủ yếu, ví dụ như mô phỏng trọng lực của nhân vật và nhiều thứ khác. Bạn có thể lấy ví dụ như GTA Vice City cho nhẹ và League of Legends thì CPU khi đối với GTA sẽ quan trọng hơn vì nó xử lý logic rất nhiều thứ trong game, còn như LOL thì do không có logic trọng lực và những thứ linh tinh khác nên sẽ không phụ thuộc vào CPU nhiều.

VGA thì ngược lại rất cần thiết cho mọi game, vì đây là thành phần chính “sản xuất” ra FPS để xuất lên màn hình. Game có đồ họa càng đẹp thì sẽ càng cần VGA mạnh, ví dụ điển hình là giữa một game 2D platform và một game 3D thì tất nhiên game 3D sẽ cần nhiều tài nguyên ở VGA hơn. Càng có VGA mạnh thì đồng nghĩa bạn càng được nhiều FPS hơn, nhưng VGA cũng còn phụ thuộc vào mối liên kết nữa với CPU, cho dù VGA bạn có mạnh cỡ nào nhưng CPU quá yếu thì cũng vậy thôi.

Windowed, Full screen, Borderless

Vấn đề gây đau đầu và tranh cãi, chế độ nào sẽ cho bạn nhiều FPS hơn ? Để hiểu rõ vì sao có sự chênh lệch FPS khi bạn sử dụng giữa chế độ full screen và windowed, trước hết bạn phải hiểu cách làm việc và xử lý của hệ thống.

Ở chế độ full screen, hệ thống sẽ tập trung dồn tài nguyên để xử lý hình ảnh và logic của game mà bạn đang chơi (game bạn đang chơi sẽ được windows focus), những thứ khác ngoài game bạn đang chơi sẽ chạy nền – vẫn giữ cho những chương trình đó chạy nhưng sử dụng tài nguyên một cách tối thiểu và đặc biệt là không hiển thị lên màn hình, vì game của bạn đang ở full screen và che hết rồi.

Còn ở Windowed thì hệ thống không những xử lý game cho bạn mà còn những tác vụ linh tinh và những chương trình đang chạy khác (và vì game của bạn không phải full screen nên những thứ đang chạy phải luôn ở trạng thái sẵn sàng để hiển thị trên màn hình), ngay cả Window Explorer lúc này cũng chiếm một phần tài nguyên, nên tài nguyên không thể dồn hết được vào để xử lý game làm cho FPS không cao.

Nhưng thực chất việc thay đổi các chế độ này để tăng FPS hay không chỉ ảnh hưởng tới những máy cấu hình thấp mà thôi. Vì lúc đó tài nguyên không có nhiều, đã vậy lại còn bị chia ra để xử lý nhiều thứ cùng lúc. Còn ở những dàn mid end hoặc hi end trở lên thì tài nguyên có quá nhiều nên việc bạn chơi ở chế độ nào không quan trọng. Ví dụ game của bạn cần khoảng 40% tài nguyên để chạy mượt nhất có thể, và những thứ linh tinh khác đang chạy chỉ chiếm khoảng 20% nên FPS trong game sẽ rất mượt và ổn định cho dù bạn chơi ở chế độ nào.

RAM

Một nhân tố thường bị bỏ quên, 2 món được quan tâm nhất là CPU và VGA, nhưng đôi lúc bạn đã có CPU và VGA mạnh rồi mà game vẫn không mượt thì đó là do RAM. RAM thực chất chỉ quan trọng đối với những game thuộc thể loại thế giới mở, vì khi đó game cần nạp trước dữ liệu rất nhiều, và nạp thì phải nạp vào RAM.

Nếu RAM bạn không đủ thì sẽ xảy ra hiện tượng swap data, ví dụ dễ hiểu là bạn đi qua một khu vực nào đó rồi, thì game sẽ đẩy dữ liệu của khu vực vừa đi qua ra khỏi RAM, sau đó nạp dữ liệu khu vực mới vào RAM. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng tới FPS vì nó sẽ ngốn một chút tài nguyên để xử lý, ngoài ra khi hiện tượng swap data này không diễn ra kịp thời sẽ làm FPS bạn tụt nặng hay thậm chí đứng vài giây.

Ví dụ điển hình nhất là những ai có 8GB khi chơi Watch Dogs 2 sẽ thường bị tụt FPS liên tục, còn những ai có 16GB RAM thì chơi mượt hơn nhiều. Ngoài ra việc cắm đủ RAM để chạy Dual Channel (hoặc Quad Channel) cũng rất quan trọng đối với những game thế giới mở, còn những game bình thường như FPS hay MOBA hay RTS thì không phụ thuộc vào RAM lắm – ngoại trừ những game thật nặng và cần load nhiều dữ liệu vào RAM.

Engine đồ họa

Càng ngày càng có nhiều engine được phát triển với những cải tiến vượt bậc. Đây là thứ tương tác trực tiếp với VGA, và việc engine được thiết kế như thế nào cũng rất quan trọng. Engine được phát triển tốt và kỹ lưỡng – được tối ưu tốt và ổn định thì FPS sẽ càng cao và ổn định mà không cần tài nguyên quá nhiều. Ngoài ra VGA cũng có ảnh hưởng một chút với engine của game, ví dụ như khi chạy một game sử dụng engine Vulkan thì VGA của AMD sẽ cho bạn thêm một chút FPS khi so với VGA của Nvidia.

Tối ưu hóa từ nhà phát triển

Không phải game làm ra xong và quăng lên Steam hay các Store khác là đã hoàn chỉnh. Thực chất bất cứ game nào cũng có lỗi không lớn thì nhỏ, quan trọng là lỗi đó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới gameplay hay không và nhà phát triển có chịu sửa hay không. Bạn sẽ thường thấy những game AAA, tuy đã lên kệ nhưng lỗi tùm lum – nghiêm trọng nhất là trồi sụt FPS và crash, đó là do nhà phát triển không chịu trau chuốt kỹ tựa game trước khi đem lên kệ, nhưng cũng có cách để sửa lỗi đó là ra các bản cập nhật (hay patch) để cải thiện.

Nhiều lúc bạn có một dàn PC rõ ràng là rất ngon và mạnh nhưng khi chơi game nào đó lại bị cà giật cà thọt. Lúc đó thì rõ ràng nguyên nhân là do game chứ không phải do phần cứng máy không đáp ứng đủ.

Tinh chỉnh đồ họa trong game

Rất nhiều thứ trong mục Option > Graphics trong game, những mục này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới FPS của bạn. Đầu tiên là Resolution (độ phân giải), Resolution càng cao thì cũng đòi hỏi phần cứng cao. Kế đến là Model / Texture Quality, bạn có thể trao đổi phần này với Resolution để có được số FPS tương đối mà đồ họa vẫn không quá tệ. Còn một mục nữa mà bạn thường thấy đó là đổ bóng và khử răng cưa, đổ bóng và chất lượng đổ bóng sẽ ảnh hưởng kha khá tới FPS, khử răng cưa cũng vậy và còn tùy theo thuật toán khử răng cưa khác nhau mà nó sẽ cho bạn hiệu quả lẫn tầm ảnh hưởng tới FPS khác nhau. 

Đam mê là khi bản thân có đủ độ điên với những gì yêu thích, đi ngược với lẽ thường chỉ để tìm được chính mình.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet