Không thể phủ nhận một điều rằng thị trường game online Việt có được sự phát triển như ngày nay là nhờ dòng sản phẩm game ồ ạt tới từ Trung Quốc.
Thành công cực lớn của Võ Lâm Truyền Kỳ và các tựa game kiếm hiệp khác đã tạo nên một cộng đồng người chơi đông đảo, gắn kết chặt chẽ với nhau, điều mà nhiều đối thủ tới từ Hàn Quốc không làm được. Thế nhưng dường như càng ngày số lượng người tỏ ra không thích thú hoặc thậm chí là ghét game Trung Quốc càng tăng dần tại Việt Nam. Họ cho rằng chỉ vì không có game nào khác để chơi nên mới phải chịu gắn bó với chúng, số khác lại ước ao một ngày các NPH Game tẩy chay mặt hàng này. Vậy lý do nào dẫn đến sự thật bi đát như vậy?
Chất lượng game nhập về từ Trung Quốc quá kém, đa số trùng lặp về gameplay
Đây là nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân cốt yếu dẫn tới việc game online Trung Quốc bị chê bai. Dù thực tế ngành công nghiệp sản xuất trò chơi trực tuyến tại xứ Gấu trúc những năm gần đây đang phát triển rất tốt với số đầu game đạt chất lượng cao không ít. Thế nhưng điều trớ trêu là rất ít NPH Game tại Việt Nam dám mua hoặc đủ tiền để tậu chúng về dải đất hình chữ S, đặc biệt là các NPH Game loại nhỏ thì điều này nằm ngoài khả năng. Vì thế giải pháp chọn các tựa game rẻ, thu hồi vốn nhanh, đánh đúng vào thị hiếu của một bộ phận lớn gamer ưa thích 2D, 2.5D hóa ra lại là cách hay.
Dần dần cách làm trên khiến giới trẻ nội địa có ấn tượng sâu đậm rằng cứ game Trung Quốc chắc chắn là không hay, chỉ toàn auto hoặc chăm chăm hút tiền người chơi là chính…Thậm chí trên fanpage, group cộng đồng cứ hễ thấy có game online mới cập bến xuất xứ từ Trung Quốc là chẳng cần biết hình thù nó như thế nào vẫn sẽ có người chê bai tức khắc, âu đó cũng là hệ quả khó tránh khỏi.
Hơn nữa sự phát triển của tính năng auto cùng với khả năng bị hack, phá băng trò chơi quá dễ lại càng khiến người chơi Việt chán nản hơn nữa. Cá biệt một số còn khăng khăng khẳng định rằng chính game online tới từ xứ Gấu trúc này đã làm “băng hoại” cả một thế hệ, là khởi nguồn của việc gamer Việt bị khinh thường tại các server nước ngoài như ngày nay.
Tâm lý không thích trở thành “con hàng” cho các doanh nghiệp game Trung Quốc bòn rút
Còn nhớ cách đây không lâu khi giới kinh doanh game Trung Quốc biết rằng việc nhập game về Việt Nam phải đình trệ, họ đã dáo dác lo sợ với lập luận rằng “thị trường béo bở của mình đang mất dần”. Thậm chí các chuyên gia trong ngành còn quan ngại rằng rồi một ngày khả năng kiểm soát 80% thị trường sẽ không còn.
Rõ ràng, với ngành game online xứ khổng lồ xứ Đại lục thì từ lâu họ đã coi Việt Nam như một nguồn thu lợi cực lớn mà không phải lo đối thủ nào ngáng đường. Đơn cử là các báo cáo doanh thu trước nay đều ngạo nghễ với sự kiếm soát quá lớn của mình. Vì vậy chắc chắn điều này không khỏi khiến gamer Việt cảm thấy ngứa mắt. Và tâm lý ai cũng vậy, nếu cứ mãi là món hàng ngon cho kẻ khác trong khi đó chính mình không thể kiếm lợi từ nó thì chẳng vui vẻ gì. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc các dòng game online nhập ngoại về nước đến từ Hàn, Bắc Mỹ hay thậm chí là game nội địa thường nhận được sự ủng hộ lớn lao hơn.
Hoặc đơn giản chỉ là…ghét, là tẩy chay, là không thích!
Với tình cảm nói chung của đa số game thủ Việt thì khó có thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể dẫn tới từng cung bậc cảm xúc. Ghét cũng như yêu, nhiều khi chính người trong cuộc cũng chẳng hiểu vì sao mình lại như vậy, điều này cũng đúng phần nào với việc game Trung Quốc bị tẩy chay tại Việt Nam, trong khi thường game Hàn Quốc hoặc Nhật Bản được tôn trọng hơn.
Trên thực tế dường như chất lượng quá kém của đa phần các mặt hàng xuất xứ phương Bắc, đặc biệt là đồ điện tử hoặc hàng nhái tinh vi đã tạo nên vết hằn sâu trong tiềm thức giới trẻ nước nhà. Chính vì thế con mắt đánh giá trò chơi của họ cũng nghiêng theo chiều hướng thấp kém.
Hơn nữa sự ảnh hưởng của “phong trào bài trừ game Trung Quốc” trên các group, fanpage chuyên game lớn cũng khiến người xem tự nhiên…vào hùa theo. Ai cũng biết sức mạnh của số đông và không phải ai cũng dám đứng lên phản đối hoặc nói lên chính kiến của mình, cứ thế trong nhiều năm tạo nên một xu hướng chung là…ghét.
Bình luận