Nhắc tới thị trường game online Việt Nam, người ta thường vỗ ngực tự hào rằng dù mới chỉ xuất hiện gần chục năm nay nhưng nó đã phát triển vượt bậc so với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên có một sự thật không thể chối bỏ là “làng game Việt” đang đi theo chiều…ngược. Từ chất lượng game, chất lượng phục vụ và cả ý thức game thủ sụt giảm hơn hẳn so với xưa kia.
Rất nhiều người chơi tỏ ra bức xúc với cung cách điều hành và chất lượng của game online mới mua về nước vô tội vạ, thế nhưng rốt cuộc họ vẫn phải chọn phương án “sống chung với mùi ô nhiễm”. Vậy chính sự mù quáng này đã phần nào dẫn đến xu hướng sút kém của toàn thị trường game online Việt trong mấy năm đổ lại đây chăng?!
Tính độc quyền thương hiệu, thị trường ngày một nâng cao
Không thể phủ nhận một điều là thị trường game online Việt Nam đang có không ít sản phẩm tồn tại dưới hình thức “độc quyền”, tức là nó không phải cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào cùng thể loại. Có thể ví dụ như seri game Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG, Đột Kích của VNG, hay AU Mobile và webgame Truy Kích của VTC Mobile hoặc FIFA Online 3, Liên Minh Huyền Thoại của Garena…Chính vì thế mà game thủ nội địa gần như không còn sự lựa chọn nào ngoài chơi chúng khi thể loại game mình yêu thích chỉ có bấy nhiêu gương mặt nổi trội và độc bá trên thị trường.
Nói đơn cử như Đột Kích, một điều chẳng thể phủ nhận cho sự hút khách của nó là do gameplay phù hợp với game thủ Việt, cộng với khả năng tổ chức sự kiện, vận hành bài bản của VTC Game. Thế nhưng hãng vẫn có thể bình chân trước nạn hack kinh khủng là vì yên tâm rằng khách hàng có chê thế chứ chê nữa cũng chẳng có chỗ nào khác để chơi. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng sự độc quyền luôn là liều thuốc độc với bất cứ thị trường nào, vì có cạnh tranh chúng ta mới phát triển bền vững và lâu dài.
Đa phần game thủ Việt “còn quá non”, cộng phần yếu ngoại ngữ trầm trọng
Như đã nói ở trên, một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc game thủ nước nhà ít khi kéo nhau ra server nước ngoài chơi để thoát khỏi nạn độc quyền là vì trình độ ngoại ngữ kém và quá khó để cải thiện vấn đề này. Đơn cử như tại các server Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, rào cản ngôn ngữ là không thể vượt qua.
Ngay cả với các phiên bản tiếng Anh, thậm chí nhiều người dù có vốn ngoại ngữ kha khá và có thể nắm bắt được hết tính năng cơ bản trong game nhưng họ lại ngại dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để mày mò dịch các bài hướng dẫn hoặc mẹo vặt dài dằng dặc được chia sẻ trên trên các diễn đàn mạng và thế là “thôi ta lại về tắm ao ta”. Đó là chưa kể tới việc đường truyền mạng ra nước ngoài còn yếu dẫn tới hiện tượng lag, giật hình hoặc các game online nổi tiếng hầu hết đều thu phí nên lại càng khó khăn cho việc gắn bó hơn.
Chưa nắm rõ mục đích chơi game của bản thân là gì?!
Rõ ràng trong 10 người ngày ngày phiêu lưu trong thế giới ảo thì có tới hơn 5 người chỉ coi đây là món ăn tinh thần giải trí bình thường cho vui chứ không đến nỗi sống chết, theo đuổi đam mê như những gamer hardcore. Mục đích của họ đơn giản là vậy nên dù NPH Game có phục vụ không tốt đi nữa thì họ vẫn chấp nhận ở lại chơi tiếp. Hay đôi khi chỉ cần thấy một vài tựa game mới xuất hiện hợp gu, vừa tầm mắt là họ cũng sẵn sàng từ bỏ game đang chơi để chuyển qua mà không cần một lý do dài dòng nào để giải thích cả.
Hiện trạng trên dẫn tới việc “chả ai hiểu ai” giữa bản thân NPH Game lẫn cộng đồng người chơi game. Vậy liệu ai còn dám đầu tư bài bản, dồn tâm huyết vào một sản phẩm game online mới để định hướng phát triển lâu dài khi mà thị hiếu lẫn xu hướng “thay game như thay áo” của game thủ Việt ngày càng trở nên hết sức bình thường?!
Song quan điểm này hết sức nguy hiểm vì nó mang tính cam chịu, bật đèn xanh cho các NPH Game muốn làm gì thì làm và lẽ tất nhiên khi ai cũng cho rằng mình “đang làm việc cần phải làm” thì tựu chung làng game Việt vẫn chỉ đang “dặm chân tại chỗ” mà thôi.
Tiền ảo, đồ ảo, giá trị ảo không được công nhận
Chắc hẳn game thủ nước nhà không còn lạ gì trước nhiều trường hợp tài khoản VIP trong các trò chơi nổi tiếng lên tiếng tố cáo NPH Game đối xử tệ bạc với mình. Những sự việc này thường gây được sự chú ý rất lớn từ phía người xem vì đối tượng khiếu nại “có máu mặt” trong cộng đồng và nhiều người biết tới.
Tuy vậy trên thực tế 10 trường hợp như trên thì có tới 7~8 trường hợp chỉ mạnh miệng nói sẽ bỏ game rồi lại đâu hoàn đấy. Ngoài lý do sợ mất chiến hữu bên trên, họ cũng rất tiếc tiền đầu tư và công sức cày kéo nhiều năm trời. Điều này một phần cũng vì tài sản ảo trong game online chưa được công nhận, dù có bị oan ức hoặc mất tiền thì game thủ cũng chẳng biết phải làm gì. Từ đó dẫn đến tâm lý cam chịu, bất lực và sẵn sàng bằng lòng với chất lượng phục vụ kém.
Bình luận