Những trò chơi điện tử giản dị ngày ấy vẫn còn sống mãi trong ký ức của chúng ta, dù thời gian đã trôi qua rất lâu.
Ngày ấy, game đối với những đứa trẻ lứa cuối 8x, đầu 9x với chúng mình vẫn là thứ gì đó quá xa xỉ. Ở cái tuổi ”ăn chưa no lo chưa tới” ấy, chúng mình chỉ chơi những trò chơi dân gian như bắn bi, đu quay, nhảy lò cò trên những khoảng sân vườn rộng rãi, chẳng có đứa nào biết tới game. Một phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, phần còn lại có lẽ là không biết chơi.
Ngoài ra còn là vì quán game ngày đó cũng khá xa, mỗi lần đến nơi cũng mất đến gần cả tiếng đi bộ. Quán game xưa không giống như bây giờ, không có máy tính, chuột, bàn phím cũng không có internet, chỉ có điện tử băng tay cầm 4 nút và 6 nút của hệ máy Sega cũ. Vậy mà trong một lần được cầm tay chơi thử, chúng mình đã ghiền lúc nào không hay. Game ngày đó đồ họa không đẹp nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn bất cứ đứa trẻ nào. Những Người Rừng, Son Goku, Cao Bồi, Contra,…ngày đó đã khiến chúng mình luôn phải dán chặt mắt vào màn hình.
Mỗi bữa sáng, đứa nào cũng được bố mẹ cho 500 đồng, 1.000 đồng, có đứa khá hơn thì được 2.000 đồng. Cả lũ nhất trí nhịn ăn, “hùn vốn” lại để thỏa mãn niềm đam mê, đứa không có tiền thì ngồi xem và bàn luận, cả quán game lúc nào cũng ngập tràn những tiếng cười giòn tan của những game thủ nhí. Game ngày đó hình ảnh chưa được đẹp, nhưng mỗi trò có một cái hay riêng.
Có lẽ chính vì sự giới hạn của phần cứng, khi không thể mô tả thế giới thực của game đã khiến cho trí tưởng tượng của bọn mình bay bổng. Đam mê như vậy nên chuyện bị bố mẹ đến quán xách tai và cho ăn đòn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên thà bị đánh đòn còn hơn là không được “phá đảo”.
Những ngày Tết, trẻ con dù được ít hay nhiều tiền mừng tuổi đều phải đưa bố mẹ cất hộ, nhưng các game thủ chân chính vẫn “biển thủ” được một ít để chơi game. Bọn mình cứ háo hức chờ khách đến lì xì rồi lại chạy thoăn thoắt ra quán game. Game luôn là chủ đề chính trong mỗi cuộc nói chuyện của chúng mình, lúc không có tiền thì giấu mẹ bán sách vở cũ, đổi lấy 15 hay 20 phút chơi game để rồi bị đòn mà vừa khóc vì bị đau, vừa cười mỉm vì kịp “phá đảo”.
Hơn 15 năm trôi qua, cứ mỗi lần nhớ lại thời tiểu học là tâm trạng của mình có chút vui, buồn lẫn lộn. Một cảm giác thật khó diễn tả thành lời, nhưng với những ai đã từng trải qua tháng ngày “cày cuốc” các trò chơi dân dã đó giống mình chắc họ sẽ hiểu được cảm giác này.
Mặc dù hiện nay internet đang rất phát triển, nhiều tựa game mới ra đời, những game cũ dần dần rơi vào quên lãng. Nhưng những hình ảnh, những âm thanh của trò chơi điện tử băng ngày đó mãi mãi còn trong ký ức của mỗi đứa trẻ bọn mình. Và mình đã trở thành game thủ như thế đấy. Còn bạn???
Bình luận