Cảm nhận Toy Odyssey: The Lost and Found – Ngôi sao hi vọng của ngành sản xuất game Việt

Có lẽ phải rất lâu rồi, kể từ sau 7554, chúng ta mới được nhìn thấy một tựa game “cây nhà lá vườn” vươn cành lá ra thế giới đáng thuyết phục như Toy Odyssey: The Lost and Found đang thể hiện vậy!

Hiker Games Studio (tiền thân Emobi Games) có lẽ là một cái tên vẫn còn khá xa lạ với nhiều game thủ Việt qua những dự án game cực chất như 7554, 2112 Revolution, Đại Minh Chủ, Mộng Võ Lâm,…v…v…Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại có lẽ  rất ít người biết rằng studio này sắp trình làng một tựa game Việt có tên Toy Odyssey: The Lost and Found trên công phân phối game lớn Thế giới – Steam, Xbox One và PS4.

Bước chân ra làng game thế giới có thể coi là một bước tiến vô cùng lớn và cũng vô cùng mạo hiểm của bất cứ nhà phát triển game Việt nào. Vậy lí do điên rồ nào đã thôi thúc những con người đến từ Hiker Games Studio tự tin với sản phẩm này đến như vậy?

toyquest_20_9_2016_1

Toy Odyssey với hy vọng viết tiếp câu chuyện thần kỳ…

Hẳn chúng ta đã từng biết đến 7554, một sản phẩm “made in Việt Nam” dám đi đầu, dám thử thách và dám mạo hiểm. Và câu chuyện thường không đẹp như các bộ phim Hàn Quốc, 7554 đã “chết” trên chính mảnh đất nơi nó sinh ra. Nó vô tình trở thành một đòn giáng mạnh vào tâm lí những người đi sau khi muốn bắt tay vào phát triển một sản phẩm game offline Việt đúng nghĩa. Sau nhiều năm, kể từ cái kết “không ngoài dự đoán” của 7554, chưa có một nhà phát triển nào dám mạo hiểm bước chân vào thị trường game offline đầy bon chen này… cho đến khi cái tên Toy Odyssey xuất hiện.

toyquest_20_9_2016_6

… mà người chiến binh 7554 còn viết dang dở

Không thực sự dễ dàng, Toy Odyssey đã phải mất tới 3 năm để phát triển với rất nhiều thăng trầm, không có quá nhiều người kì vọng rằng tựa game này sẽ thực sự làm nên điều kì tích. Thế nhưng ngay khi vừa được cầm trên tay phiên bản thử nghiệm của tựa game này, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên đến mức phải tự hỏi: “Đây thực sự là một tựa game do người Việt làm sao?”. Câu hỏi đó khiến cho chúng tôi không thể kìm lòng được mà ngay lập tức muốn đặt tay xuống và viết nên tất cả những gì cảm nhận được về trò chơi này.

toyquest_20_9_2016_2

Toy Odyssey là một tựa game platform màn hình ngang truyền thống, nếu so với 7554 thì Toy Odyssey lại chỉ có một nền tảng đồ họa 2D đơn thuần và một lối chơi khá đơn giản. Đây có lẽ là một điều tốt, với một lối chơi thuần chất platform, người chơi sẽ dễ dàng để tiếp cận với game hơn, đồ họa đơn giản nhưng chưa bao giờ lỗi thời chắc chắn sẽ là một hướng đi rất khôn ngoan. Việc Hiker Games Studio lựa chọn một cái tên tiếng Anh và sử dụng thứ ngôn ngữ này trong game có lẽ là lựa chọn sáng suốt nếu muốn đưa tựa game này dấn sâu hơn vào thị trường game thế giới.

toyquest_20_9_2016_3

Ngay khi bước chân vào game, người chơi sẽ được trải nghiệm một cảm giác rất khó tả. Nó là sự pha trộn giữa cảm giác đợi chờ đầy hồi hộp, đôi chút lo lắng với những gì diễn ra xung quanh và sự phấn khích với một cốt truyện đầy tiềm năng. Người chơi sẽ được xem một đoạn phim cắt cảnh ngắn được vẽ bằng tay cực kì tỉ mỉ. Chỉ cần nhìn qua thôi người chơi cũng cảm thấy ở đó sự cố gắng và nỗ lực hết mình của những họa sĩ đến từ Hiker Games Studio. Đoạn cắt cảnh diễn ra không quá nhanh cũng không quá chậm, đủ để người xem tự hiểu dù không có bất cứ câu thoại nào.

toyquest2_20_9_2016_1

Bối cảnh trong game nói về một gia đình mới chuyển về sống trong một căn biệt thự ở vùng ngoại ô, đó là một gia đình có vẻ khá hạnh phúc và họ dường như rất hài lòng với ngôi nhà mới của mình. Cậu con trai trong gia đình có tên là Felix, cậu trông có vẻ lớn hơn đám trẻ cùng tuổi nhưng vẫn thích chơi đồ chơi như chúng. Cậu có một con người gỗ đồ chơi tên là Brand và tất nhiên, cậu rất yêu quý món đồ chơi của mình. Nếu đã từng xem qua bộ phim hoạt hình Toy Story, chắc chắn người đọc sẽ hiểu chuyện gì rồi sẽ xảy ra tiếp theo.

toyquest_20_9_2016_4

Khi màn đêm buông xuống, khi mọi thứ chìm vào tĩnh lặng, khi Felix chìm sâu vào giấc ngủ, một ánh sáng xanh lóe lên và từ đây, Brand – chú người gỗ tí hon – bỗng nhiên sống dậy. Sơ qua về cốt truyện như vậy, Toy Odyssey không hẳn có một cốt truyện quá sức đột phá nhưng vẫn đủ hấp dẫn và kích thích trí tò mò của người chơi. Tại sao cậu lại sống dậy? Tại sao các món đồ chơi trong căn nhà này lại thù địch đến thế? Tại sao các căn phòng lại tự thay hình đổi dạng? Sự thật đằng sau tấm màn bí ẩn này là gì? Tại sao chủ nhân Felix của cậu lại luôn gặp những cơn ác mộng hàng đêm? Quá nhiều câu hỏi để người chơi tự khám phá.

toyquest_20_9_2016_5

Brand là nhân vật trung tâm, cũng là nhân vật người chơi điều khiển chính trong tất cả các sự kiện trong game. Là một món đồ chơi “sống”, Brand vẫn luôn thắc về lí do cho sự tồn tại của mình, tất nhiên là game sẽ không thể để cho anh chàng này cô đơn mãi được. Cậu ta có một người bạn cộng sự tí hon có tên Buck, một con đom đom xanh đa sự. Buck có nhiệm vụ soi sáng đường đi cho Brand và đôi khi còn nắm vai trò người hướng dẫn nữa.

Có lẽ đọc đến đây, người xem sẽ thấy đôi nét tương đồng giữa Toy Odyssey với The Child of Light của hãng Ubisoft. Cùng với bối cảnh và âm nhạc, không khó để thấy rằng Toy Odyssey là sự kết hợp, học hỏi và phát triển từ những sản phẩm đi trước như Limbo, The Child of Light hay Ori and Blind Forest. Có lẽ chính bởi như thế, chúng tôi đã rất nhanh chóng cảm thấy những nét quen thuộc trong đó và rất dễ dàng để làm quen được với chúng.

toyquest2_20_9_2016_2

Là một game platform, Toy Odyssey sẽ đưa người chơi khám phá căn nhà, thế giới tưởng như không lớn mà lại lớn không tưởng. Là một fan của Metroid và Castlevania, chúng tôi không khỏi phấn khích khi được chơi một tựa game có cách xây dựng bản đồ thú vị đến như vậy. Bằng một thuật toán nào đó, các căn phòng trong căn nhà liên tục thay đổi mỗi khi một ngày trôi qua. Nó khiến cho người chơi luôn trong cảm giác vừa tò mò, vừa lo sợ “lạc đường”.

toyquest_20_9_2016_7

Vì game diễn ra đa phần vào buổi tối nên hầu như ngoài căn phòng chính ra, thật khó để tìm được một ánh đèn ngoài màn đêm luôn bủa vây và chỉ có mỗi chú đom đóm Buck là mang tới chút ánh sáng hi vọng. Ngoài mảng đồ họa 2D được chau chuốt tỉ mỉ, không thể không kể đến âm nhạc của game. Không biết tìm được một từ nào để miêu tả ngoài hai chữ “xuất sắc”. Có thể nói, thứ làm nên trải nghiệm tuyệt nhất trong Toy Odyssey chính là âm nhạc của game. Từ những bản nhạc nền đầy ma mị và ám ảnh, cả những âm thanh cót két của ván gỗ, cho tới tiếng lách cách rợn lưng của những món đồ chơi khác đang ẩn náu đâu đó. Tất cả đã tạo ra một “bức tranh giao hưởng” vô cùng hoàn mĩ mang tên Toy Odyssey.

toyquest2_20_9_2016_3

Để khám phá thế giới rộng lớn trong game, Brand luôn phải có những món vũ khí “đồ chơi” trong tay để giúp cậu thoải mái hơn khi khám phá thế giới. Với những người bạn đồ chơi tốt bụng xung quanh, Brand có thể nâng cấp trang phục trên người, chế tạo nguyên liệu, vũ khí, nhận hàng loạt nhiệm vụ và mở khóa những kĩ năng đặc biệt. Nhìn chung, gameplay của Toy Odyssay không phải là quá đột phá nhưng vẫn đủ hấp dẫn để người chơi dành hàng chục giờ khám phá căn nhà và tìm ra câu trả lời cho hàng loạt sự kiện bí ẩn diễn ra tại nơi đây.

Nếu nói rằng Toy Odyssey là một tựa game Việt xuất sắc thì không hẳn là đúng, xét về góc nhìn của một game thủ, Toy Odyssey vẫn thiếu khá nhiều điểm để khiến người chơi cảm thấy thực sự hấp dẫn. Đầu tiên có thể kể đến hệ thống điều khiển trong game khá “tù”. Không rõ có phải là cố ý hay không nhưng phải nói rằng hệ thống nút trong game thực sự quá tệ. Việc điều khiển nhân vật với hệ thống nút mặc định đôi khi còn khó khăn hơn cả cái gameplay và đa phần người chơi sẽ phải tự cài lại nút nếu không muôn ngón tay phải chạy khắp bàn phím.

toyquest2_20_9_2016_4

Kế đến có lẽ phải kể đến là cách xây dựng bản đồ, dù các món đồ trong các căn phòng đều được làm rất tỉ mỉ và trau chuốt nhưng chính vì thế lại khiến chúng trở thành những “cái bẫy”. Brand có thể chạy nhảy trên những món đồ trong phòng nhưng chỗ đó có đứng được hay không thì lại là vấn đề khác, đôi khi chỗ tưởng như đứng được thì hóa ra chỉ để “làm cảnh”. Chính vì thế, việc người chơi ngã lộn cổ vài chục lần chỉ vì không phân biệt được chỗ nào có thể đứng và chỗ nào không sẽ khiến người chơi đôi lúc cảm thấy khá khó chịu nếu không muốn nói là ức chế vì có thể chết oan rất nhiều lần.

Nếu âm nhạc là điểm cộng lớn cho game thì khâu lồng tiếng lại là điểm trừ rất lớn, các đoạn hội thoại được người lồng tiếng nói với tốc độ rất nhanh. Nhân vật chính Brand dường như sở trường không phải là tiếng Anh nên các câu thoại của anh chàng này rất “chán”, với chất giọng eo éo như con gái, cộng thêm tốc độ rap ngang Eminem và tông giọng đều đều như một sẽ khiến nhiều người chơi buộc lòng phải skip nhanh các đoạn hội thoại của anh chàng này.

toyquest2_20_9_2016_5

Tính năng chiến đấu trong game không quá đặc sắc, các đòn đánh của Brand khá là đơn điệu nếu không muốn nói là đơn giản quá mức. Các món vũ khí có vẻ nhiều nhưng không thực sự tạo nên điểm nhấn và đôi lúc sẽ gây cảm giác buồn ngủ nếu chơi một thời gian dài. Chúng tôi khá hi vọng vào sự kết hợp của 2 người bạn Brand và Buck giống như cặp đôi tuyệt vời Aurora và Igniculus đã làm trong The Child of Light. Thế nhưng, đáng tiếc là điều đó không hề xảy ra.

Đa phần người chơi chỉ nhìn thấy một Brand lang thang trong đêm tối, mò mẫm và chặt chém mọi thứ cậu nhìn thấy. Sự tồn tại của Buck hầu như sẽ bị lãng quên sau khoảng 10 phút chơi vì ngoài soi sáng đường đi ra, cậu chẳng có tác dụng nào khác. Những nhân vật khác trong game cũng rất mờ nhạt, người chơi có lẽ cũng sẽ chẳng thực sự nhớ được tên những người bạn của Brand dù rằng xét theo một góc độ nào đó, họ rất hữu ích cho anh chàng này.

Nếu bỏ qua những tiểu tiết nhỏ trên thì Toy Odyssey thực sự là một tựa game sáng giá của làng game Việt, một “Ngôi sao hi vọng” đúng nghĩa. Với một sự khởi đầu tốt, Toy Odyssey hy vọng sẽ là con tàu mở đường cho ngành công nghiệp game Việt Nam khi bước chân ra thị trường thế giới. Tất nhiên, việc liệu Toy Odyssey: The Lost and Found và những sản phẩm game khác sẽ ra mắt trong tương lai của Việt Nam có đủ tầm sánh ngang với các sản phẩm quốc tế hay không, câu trả lời đến từ sự ủng hộ của chính chúng ta, những người Việt nên dùng hàng Việt Nam.

Tải game về máy Tại đây

Theo Báo InfoGame

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet