Không giống như các công ty phát hành game online nước ngoài khi đặt vân đề chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ, cộng đồng lên hàng đầu thì các NPH Game tại Việt Nam lại hướng đến vấn đề tận thu trước tiên.
Để làm được một game online hay, các nhà phát triển phải vắt óc suy nghĩ và tốn rất nhiều chất xám. Nhưng để ra mắt được sao cho suôn sẻ cũng như gây tiếng vang được tới các người chơi thì phải nói tới các nhà phát hành. Cũng có những nhà phát triển kiêm luôn nhà phát hành, nhưng dù sao khi được một hãng nổi tiếng đỡ đầu trong việc phát hành thì luôn tốt hơn. Đó là nói về thị trường game nước ngoài, còn ở Việt Nam thì chủ yếu chỉ có nhà phát hành game mà thôi, vì mảng phát triển game chưa có tên tuổi lẫn kinh nghiệm nhiều.
Ảnh minh họa.
Về mảng phát hành, ở Việt Nam chỉ tập trung vào mảng game online – đơn giản là vì các game offline quá hiếm, hơn nữa các nhà phát hành Việt Nam chưa đủ lớn để đỡ đầu cho các game offline nước ngoài. Trước hết là về việc chọn lọc game để nhập về, ở Việt Nam chủ yếu chuộng những game tiên hiệp và kiếm hiệp, còn những game phong cách tây âu thì lại không được chuộng nhiều. Cơ bản là do người chơi Việt Nam thích PvP hơn là PvE, mà những game thiên về PvP thì chắc chắn sẽ có vụ “tiền đè chết người”, đó cũng là nguồn sống của các nhà phát hành.
Đôi lúc bạn cũng sẽ tự hỏi tại sao không nhập về những game cân bằng, không phải Pay to Win? Những game như vậy thì đều do những nhà phát triển phương tây sản xuất, chính vì vậy bối cảnh cũng thuộc phương tây – người chơi Việt Nam không chuộng phong cách này, vẫn có một số người thích nhưng như vậy là quá ít để có thể nuôi sống nhà phát hành ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra còn có một số trường hợp game yêu cầu trả phí khi chơi để vừa nuôi được nhà phát hành và hạn chế Pay to Win, nhưng người chơi Việt Nam lại thích nạp tiền vào game hơn là bỏ tiền mua game, đó là một trong những lí do chủ chốt mà những tựa game thu phí hay không bao giờ đặt chân về Việt Nam. Lỗi không do nhà phát hành mà còn do thị trường ở Việt Nam nữa, nhập về mà không ai mua chơi thì chắc cạp đất mà ăn.
Cũng có những game lấy chủ đề phương tây, hay gần nhất là những game của X-Legend như Aura Kingdom hay Eden Enternal, những game này hay tập trung vào PvE nhiều hơn, tiền nạp vào chủ yếu chỉ để làm đẹp là chính nên người chơi Việt Nam không thích. Cũng một phần là những game này khi về Việt Nam đều là do những nhà phát hành nhỏ đem về, nên thiếu vốn duy trì là điều đương nhiên, vả lại những tựa game đó không sử dụng mô tuýp Pay to Win nên muốn sống dai thì phải cần rất nhiều người chơi.
Còn những nhà phát hành lớn và có uy tín khi nhập game về phải tính toán duy trì game trong ít nhất 2-3 năm, nên thường những game như vậy sẽ dễ dàng bị loại bỏ khỏi danh sách, đơn giản là vì nó không đem lại lợi nhuận nhiều và liên tục. Nhưng người chơi cũng đã bắt đầu thích nghi và làm quen tới những game nước ngoài rồi, vì càng về lâu dài người chơi Việt Nam càng có nhận thức để loại bỏ dần những game Pay to Win, và chấp nhận bỏ tiền ra để mua game chơi như vậy sẽ bảo đảm được tính cân bằng. Dần dần như vậy thì một game MMORPG hay của nước ngoài sẽ có thể đặt chân về Việt Nam nhưng chưa biết bao giờ thôi.
Kế đến là cách vận hành game, những nhà phát hành nước ngoài họ tập trung trau chuốt cho sản phẩm mình mà mình phát hành, chứ không quan trọng hình thức bên ngoài, bởi vì theo quan niệm của họ rằng chỉ cần sản phẩm mình tốt thì tự động khách hàng sẽ tự động tìm tới. Điều này bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi lướt qua các fanpage của các game nước ngoài lẫn Việt Nam.
Ảnh minh hoạ.
Đơn cử trên các fanpage của game nước ngoài phải đóng mạng nhện vài tuần mới có một post, nhưng mỗi khi đăng thì đều là những tin quan trọng về game đó. Còn các nhà phát hành Việt Nam thì cực kỳ quan trọng ở vẻ bề ngoài cũng như PR. Về mặt này có thể lấy vụ dụ điển hình là game Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) của Garena, fanpage hoạt động liên tục đăng hết tin này tới tin khác làm cho nó không còn là một trang chính thống của game nữa mà như một tờ báo lá cải chuyên về game đó vậy.
Nhìn chung thì cách quản lý và điều hành game ở mỗi nơi là khác nhau. Nước ngoài thì tập trung cải thiện chất lượng gỗ là được, còn lớp nước sơn bên ngoài thì chỉ cần không quá xấu là ok rồi. Còn ở Việt Nam thì tập trung qua phần nước sơn là chủ yếu, còn gỗ thì chừng nào xuống cấp quá thì mới thay gỗ mới. Có thể cũng do thị trường game Việt Nam quá dễ tính nên các nhà phát hành chỉ cần số lượng người chơi là được, còn chất lượng game thì không phải mục tiêu hàng đầu để chú ý tới, đó là khi nói tới những game MMORPG mới về, còn những game đã có sẵn tiếng tăm ở nước ngoài như LOL thì chỉ cần đem về Việt hóa là xong.
Ảnh minh hoạt.
Để bắt trúng tậm lý và thị hiếu người chơi thì các nhà phát hành cũng phải phụ thuộc vài thứ. Thứ nhất là phải có tiếng và uy tín, điển hình như VTC Game, VTC mobile, Garena Việt Nam hay VNG mỗi lần nhập game gì mới là tự động sẽ có người chơi quan tâm ngay lập tức, không chỉ vậy mà các tờ báo mạng cũng PR rất mạnh mẽ.
Nhưng khổ nỗi, tình thế hiện tại khá là trái ngược khi mà các hãng phát hành lớn lại nhập game dỏm và lí nhí về, còn những hãng nhỏ lại nhập game chất lượng và đã có tiếng ở nước ngoài. Ác là người chơi lại chơi những game lí nhí đó thay vì thưởng thức một game chất lượng từ các hãng phát hành nhỏ, nên dần mòn những hãng phát hành nhỏ không đủ sức duy trì game nên đành phải đóng cửa.
Còn những người chơi Việt Nam giờ cũng đã biết chọn lọc hơn, chọn những game nước ngoài hay để chơi, mặc dù lag một chút nhưng cũng được vì nó hay và chất lượng. Lượng người chơi những game trong nước giờ cũng đã giảm thấy rõ, họ vẫn chơi nhưng chơi ít lại – cả thời gian lẫn số lượng game. Đây cũng là lúc các nhà phát hành kéo một game toàn năng về thị trường Việt Nam, chứ không thì đi đâu cũng chỉ thấy LMHT, Võ Lâm, Đột Kích – một thị trường game buồn tẻ thiếu đa dạng và rất buồn chán.
Bình luận