Game người game ta, hai thái cực đối lập trên thị trường game Việt

Chơi game là thú vui của riêng mỗi người. Và đã là game thủ, ai cũng có quyền chọn cho mình một game nào đó để chơi, để đam mê. Đam mê đó là của riêng mỗi người.

Có một số lượng game thủ Việt từ lâu thường có thói quen chơi game trên server quốc tế. Kể từ nửa cuối năm ngoái, khi có làn sóng di cư ra các server ngoại để chơi game của một số game thủ nước nhà, làng game Việt gần như tách biệt thành 2 thế giới, trong đó một bên thì chỉ ngâm cứu game ngoại, không còn ham muốn đến game phát hành trong nước, bên còn lại thì gần như mù tịt, âm thầm sống trong thế giới được tạo nên bởi các NPH trong nước. Bài viết này nói về hai thế giới khác nhau ấy.

Chơi game ở xứ người: Sướng mà khổ

Gần như đại bộ phận game thủ thích phiêu du trên server ngoại (thường là server Bắc Mỹ hoặc EU và cả Sea) đều là các game thủ dạng hardcore. Đây là tầng lớp nắm giữ rất nhiều kiến thức về game. Họ hiểu biết, nắm bắt, mày mò, tìm tòi rất nhanh các game để hiểu được game hay dở như thế nào. Họ là một kho thông tin, và cũng là những “ông già” khó tính.

2game_20_1_thitruonggame_1.jpg (600×369)

Lại ngang trái, các game thủ hardcore này chính là đối tượng mà các NPH nước nhà rất “không ưa”. Cứ hễ có thông tin game nào sắp về nước, tên gì, ngay lập tức trên các diễn đàn, tất tần tật thông tin về game, cách chơi, đánh giá, khuyết điểm… đều được các game thủ hardcore này phun tất tần tật ra bất chấp nỗ lực bưng bít của các NPH. Nếu là khen thì còn đỡ, đằng này các game thủ trên gần như chỉ biết chê và chê.

Dĩ nhiên các game về nước thường chỉ là các game dạng “thường thường bậc trung”, không mấy tiếng tăm, không phải là món ăn ưa thích của các game thủ hardcore trên. Đối tượng mà các NPH nhắm đến cũng là những game thủ “bình dân”. Thế nên, các game thủ hardcore trên thường chọn phương trời xứ lạ để thỏa chí vẫy vùng trong các “bom tấn”.

Lag là niềm đau kinh điển, đăng kí khó, chơi khó là nỗi niềm chỉ họ mới thấu. Chưa kể, lâu lâu họ sẽ vướng phải một vài tai nạn nào đó, chẳng hạn như chơi một game phải fake IP, NPH lần ra được, block acc không thương tiếc thì đành chấp nhận khóc hận. Dù rằng không nhận được nhiều hỗ trợ khi chơi, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận để được chơi những game đỉnh của thế giới.

2game_20_1_thitruonggame_2.jpg (800×450)

Mặc dù gặp nhiều trở ngại, nhất là các game server ngoại thường có hình thức thu phí, khó nạp thẻ, khó thanh toán, nhưng đổi lại, NPH quản lý server khá tốt, game ít chịu sự can thiệp của tiền, và đồng tiền ảo được duy trì không mất giá, tạo nên một sân chơi ổn định, lâu dài.

Càng chơi nhiều, lượng game thủ chơi game trên server ngoại càng cảm thấy thích những game do nước ngoài quản lý, và gần như họ không còn đoái hoài đến game trong nước. Một game thủ hardcore như trên đã tâm sự cùng tôi: “Bây giờ nhìn lại mấy game trong nước, không ham nổi một game nào hết trơn! Game đã xấu, NPH còn cùi bắp nữa! Có lẽ mình không bao giờ chơi game trong nước nữa đâu!

Ao nhà: Tuy cùi nhưng mà sướng

Dẫu cho bị chê nhiều, nhưng game trong nước vẫn có rất nhiều game thủ chơi và gắn bó. Phần lớn số này đều là những game thủ bình dân, họ chơi game ngoài quán internet, và họ sẽ chơi những game được cài trong máy. Họ quen thuộc những game bình thường của các NPH nội địa, sẵn sàng chơi bất cứ game gì mà họ cảm thấy hay hay.

2game_20_1_thitruonggame_4.jpg (500×380)

Có lẽ, những game thủ này chưa bao giờ được chơi những game thuộc hàng đỉnh, hay có chút tên tuổi trên trường quốc tế. Họ sẵn sàng bỏ cả ngày để cày một game 2,5D, trầm trồ trước một skill “phun xanh phun đỏ” mới học được, chấp nhận cắm auto nhìn nick của mình đi đánh quái, làm đi làm lại một nhiệm vụ.

Đúng, rất cùi. Nhưng cơ bản, họ đã có được niềm vui khi chơi game, thế là đủ. Một đôi lần, NPH thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm khiến họ điên tiết, tức giận, vật vã. Họ cũng sẵn sàng bỏ game, với điều kiện là bạn bè cũng bỏ. Nhưng sau đó, có game nào mới về, họ cũng sẽ lại tiếp tục chơi, dẫu cho có thể lại bị đối xử tệ.

2game_20_1_thitruonggame_3.jpg (500×319)

Nói qua nói lại, có thể game họ chơi không đẹp, NPH không quản lý game tốt, nhưng họ vẫn có một game dễ chơi, đụng vào là chơi được ngay, không quá phức tạp, dễ hiểu, có cả auto. Họ chẳng bao giờ biết được những game đỉnh của nước ngoài, mà nếu có, cũng chẳng biết chơi thế nào. Vậy thì, chơi game trong nước phù hợp hơn, vui hơn, tại sao lại không?

Nước sông không phạm nước giếng. Mỗi tầng lớp game thủ đều có ý thích riêng, và chơi gì là quyết định của họ. Có thể game này hợp với người này, nhưng không hợp với người kia. Sở thích phân loại nên những tầng lớp khác nhau, mỗi người sẽ chọn cho mình game phù hợp. Nếu bạn của bạn đang chơi một game khác bạn, đừng chê bai đấy nhé!

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet

Bài viết liên quan