Cảm giác nhịn đói ba ngày chơi game như thế nào?

Mẹ tôi là một người khó tính, bố thì lại khá hiền lành nên hầu như mọi chuyện lớn nhỏ đều do mẹ tôi quyết định.

Có lẽ vì thế mà các anh chị em tôi cũng rất sợ mẹ đặc biệt khi phạm phải một lỗi lầm nào đó. Trong nhà tôi là con út, năm nay đã 16 tuổi. Tính tôi bộp chộp ương bướng, ỷ mình nhỏ nhất nhà được cưng chiều nên làm việc gì cũng chẳng suy nghĩ. Mỗi khi ăn tôi hay làm rơi vãi đồ ăn hoặc chán thì bỏ mứa đổ cơm đi. Mẹ tôi nghiêm túc dạy bảo: Lần sau ăn bao nhiêu thì xới bấy nhiêu, con có biết là trên thế giới này có nhiều người không có cơm mà ăn phải chết đói chưa?. Tôi bĩu môi nghĩ thầm: Đó là chuyện của họ, số phận sinh ra đã vậy thì đành chịu. Cho dù tôi có ăn hết thì cũng đâu giúp những kẻ đó trở nên no bụng.  

Cảm giác nhịn đói ba ngày như thế nào?

Tính tôi vốn ham mê chơi game. Một thằng ở độ tuổi dở dở ương ương chẳng có bạn bè gì thì gắn với chiếc máy tính là bình thường. Tuy nhiên gia đình tôi lại không chấp nhận sự bình thường đó nhất là mẹ. Bà luôn hạn chế thậm chí là ngăn cấm không cho tôi chơi quá nhiều, một ngày chỉ khoảng một hai tiếng. Số thời gian ít ỏi đó không đủ để thỏa mãn niềm đam mê của tôi. Túng quá làm liều nên tôi hay thừa dịp mẹ bận hoặc không có nhà để trốn ra tiệm net. Thói quen này đã dần trở nên quen thuộc nên cứ một tuần tôi lại lẻn ra net vài lần.

Ở tiệm net tôi chơi vốn không được hiện đại lắm, thậm chí lụp xụp nên việc quản lý cũng chểnh mảng. Bạn có thể bắt gặp mọi loại người, mọi tình huống trong đây. Chính vì thế  truyện trộm cắp móc túi hay bán vé số giấy giò luẩn quẩn trong đó thường xuyên xuất hiện. Những người vào sử dụng máy đều phải tự cảnh giác nên cứ thấy bất kì kẻ khả nghi nào lởn vởn xung quanh phải vội xua đuổi ngay tránh tình trạng bị “thó” mà không biết. Phòng người lớn thì được chứ lũ trẻ con bụi đời chạy lăng xăng thì khó cản bởi độ tinh ranh và nhanh chân của chúng.

Trong số những đứa trẻ bụi đời hay đến tiệm net bán vé số thì tôi có biết một thằng nhóc tên cúng cơm là Còm.  Sở dĩ tôi ấn tượng với nó vì vẻ ngoài ngây thơ chất phác khác hẳn với lũ bạn. Nếu như những đứa kia chỉ là giả bộ chân chất để lấy lòng người mua hay tìm cơ hội chôm chỉa thì Còm lại hiền thực sự. Suy đoán này có được là trong khi mọi khách quen ở tiệm net đều đề phòng với những người mời chào hay tiến sát lại gần mình thì riêng với Còm lại không. Mặc dù họ cũng không mua mấy tờ vé số nó đưa ra nhưng cũng chỉ vẫy tay hoặc thỉnh thoảng đùa cợt chút.

Còm có dáng vẻ gầy yếu đúng như cái tên và rất nhỏ con so với số tuổi 12 của nó. Ông chủ tiệm net rất quý nó nên mới cho phép cu cậu thoải mái đi vào tiệm net để làm ăn bởi theo lời giải thích của ông thì hoàn cảnh nó thật đáng thương: Còm quê ở miền Trung – nơi toàn nắng và gió. Gia đình nó rất nghèo nhưng lại đông anh chị em. Bố mẹ không có ruộng để cày cấy mà chỉ chờ đợi bà con trong làng mướn gì làm đó. Mặc dù cuộc sống cơ cực nhưng cũng gọi là tạm ổn qua ngày. Tuy nhiên có vẻ ông trời không thương người tốt bởi gia đình Còm chưa từng làm điều gì xấu xa hay hãm hại ai mà bao nhiêu tai họa cứ đổ ập lên đầu. Tháng 4 năm ấy chị gái Còm mới 16 tuổi, trong lúc đi đưa cơm cho mẹ gặt thuê ngoài đồng, qua một quãng đường vắng thì bị kẻ xấu chặn đường cưỡng hiếp. Đến lúc có người đi ngang qua nghe tiếng kêu cứu trong bụi rậm thì mọi chuyện cũng đã rồi. Gia đình tìm cách kiện đưa tên thủ ác ra công an xã nhưng ngặt nỗi gia thế của hắn lại giàu và có chức quyền nên chỉ bị xử phạt nhẹ. Trong lúc bố mẹ không biết phải làm sao thì cô chị gái đã quá uất ức mà tự sát. Người mẹ đau lòng ngất xỉu trong đám tang được đưa đi bệnh viện lại tình cờ chuẩn đoán ra bị ung thư. Tiền bạc trong nhà vốn chỉ đủ ăn nay phải vay mượn để lo đám tang và chữa trị cho mẹ. Nhiều lúc nhìn bố ngồi một mình khóc thầm trong đêm và 3 đứa em nhỏ kêu đói nên Còm quyết tâm bỏ nhà vào thành phố làm ăn. Do ra đi không một xu dính túi nên quãng đường từ quê lên Sài Gòn của Còm rất vất cả. Nó phải ăn ngủ ngoài đường, vài bữa nhịn đói là chuyện bình thường. Đừng nhìn nó mới 12 tuổi mà cho rằng ngây thơ. Những thứ nó trải qua còn nhiều và dài hơn cả kẻ trưởng thành.

Tôi nghe xong câu chuyện từ ông chủ quán cũng chỉ biết im lặng. Thương hại thì có đó nhưng đồng tình thì không. Tôi vẫn cho rằng xã hội hiện nay nó đã vốn khắc nghiệt như vậy rồi. Việc sinh ra trong gia đình như thế nào và phải đối mặt chuyện ra sao đã là số phận không thể thay đổi. Nếu kẻ đó không phải là Còm thì cũng sẽ là nhóc A hay nhóc B nào đó, chấp nhận và tuân theo là cách tốt nhất. Trên thế giới này có rất nhiều kẻ có hoàn cảnh như Còm, giúp đỡ đồng tình chỉ là muối bỏ bể mà thôi. Nghiệm ra điều này khiến tôi thoải mái hơn cũng như âm thầm may mắn vì mình sinh ra trong một ngôi nhà ấm áp hạnh phúc.

Hôm ấy cũng như mọi lần tôi lại đến quán net thì thấy bên trong có xô xát cãi nhau khá ồn ào. Tiến vào xem thì  thấy Còm đứng giữa tiệm mặt mày sưng húp như bị ai đánh, quần áo bẩn thỉu và đang bị vây giữa những tiếng chửi bới xung quanh: Thằng ăn cắp, đúng là không có cha mẹ dạy mà, nhìn mày hiền lành thế mà giở trò mất dạy à, tao báo công an gô cổ cả lũ bụi đời chúng mày vào bây giờ…Còm vẫn không nói gì mà chỉ nhìn chằm chằm xuống mặt đất, có vẻ như nó chẳng quan tâm đến những lời sỉ nhục kia. Tôi thấy tò mò nên hỏi thăm thì ra mới biết vừa nãy có một khách hàng bị mất bóp. Lúc đó chỉ có Còm và một thằng nhóc nữa đứng kế bên, ông ta nghi ngờ thằng nhóc kia định tra hỏi thì Còm đã nhận là mình lấy trộm. Tôi thấy ông chủ quán lắc đầu vẻ mặt thất vọng sau đó khuyên mọi người bình tĩnh xin tha cho Còm một lần vì đây là lần đầu tiên phạm tội. Có vẻ như số tiền trong bóp của vị khách hàng kia cũng không nhiều cộng thêm nể nang lời nói của chủ quán  nên nói: Thôi bỏ đi, lần này tao nể chủ quán nên mới tha cho mày đó nhóc con. Bữa sau tao còn thấy mày làm trò đó thì tao chặt tay. Tôi âm thầm bĩu môi: Nể nang gì mà đánh nó một trận xong rồi mới kêu tha.

Sau khi vụ ồn ào lắng xuống, Còm bị đuổi ra khỏi tiệm net và bị cấm quay trở lại nơi đó bán vé số. Tôi thấy nó cam chịu lẳng lặng dắt tay thằng bé kế bên rồi bước đi. Do tò mò nên tôi lén đi theo thì thấy 2 đứa đi vào một hẻm nhỏ rồi chợt dừng lại. Thằng nhóc kia mặt tái mét vừa mở miệng đã khóc òa lên:

 – E..m..Em..xin lỗi anh.. Em trót dại để rồi liên lụy anh phải nhận tội thay.

Còm mặc dù khuôn mặt đau đớn đến mức khó cử động miệng nhưng vẫn thốt ra:

– Anh không sao mà, nín đi

Lúc này tôi thấy Còm trở nên già dặn hơn hẳn tuổi của nó và cảm giác giống như một người anh che chở cho đứa em nhỏ. Sau khi trấn an thằng nhóc thì Còm đuổi nó đi trước, khi bóng dáng thằng bé khuất bóng thì nước mắt trên mặt Còm rốt cuộc cũng không kìm nén được. Nó khóc, Còm khóc. Tôi bỗng thấy khó chịu, không biết nên trách ngu đần hay khen nó tốt bụng nữa. Tôi bước ra lau lau khóe mắt của nó rồi hỏi:

Cảm giác nhịn đói ba ngày như thế nào?

Không phải ai cũng thích hợp làm anh hùng đâu. Nhóc lo cho thân mình còn chưa xong tự dưng đứng ra bảo vệ nó làm gì.

Có vẻ bị giật mình vì tôi bước ra, Còm khóc càng dữ hơn. Nó biết tôi là khách quen của tiệm net nên sợ tôi méc lại với chủ quán thì thằng nhóc kia sẽ gặp chuyện. Chỉ khi tôi trấn an và thế thốt mình sẽ giữ bí mật thì nó mới sụt sùi nói:

– Em không biết anh hùng là gì, em cũng chẳng muốn làm anh hùng. Chẳng qua Lân ( tên thằng nhóc ăn cắp) giống như em trai của em đang ở quê nên em mới muốn bảo vệ nó thôi.

– Đau không?

– Không, lúc trước còn bị đánh đau hơn thế?

– Vậy sao lại khóc

– Vì trước khi đi em đã hứa với mẹ là dù đói khổ đến đâu cũng không làm việc xấu để ngẩng cao đầu nhìn người khác. Tuy nhiên hôm nay em đã không giữ được lời hứa, họ chửi em không nói làm gì đằng này chửi cả ba mẹ nói em không có ai dạy.

– Thế sao em không trách đứa nhỏ kia để nó từ sau không tái phạm

– Anh đã trải qua cảm giác 3 ngày đói không có gì ăn chưa?

-(…)

– Em trải qua rồi nên nếu em trách mắng hay ngăn cản nó thì trước khi bị người ta đánh chết thì nó cũng bị chết đói rồi anh ạ.

Sau một hồi hỏi han thì chúng tôi chia tay nhau. Còm quay trở lại xóm bụi đời theo như lời kể của nó còn tôi thì đi về nhà với suy nghĩ miên man. Tại sao giữa thành phố hiện đại này vẫn có trường hợp người bị bỏ đói nhiều ngày mà chẳng có ai quan tâm. Có đúng tất cả đều là số phận giống như tôi đã khẳng định trước đây không?. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thực sự lý giải được suy nghĩ của Còm, có lẽ vì tôi chẳng bao giờ để mình đói cả.

Một tuần sau đó tôi vẫn ra tiệm net chơi game. Lần này do quá mải chơi nên tới tối mịt tôi mới phát hiện thời gian cần về nhà đã qua rất lâu. Lúc này chắc mẹ đã về nhà, tôi rất lo sợ vì biết chờ đợi tôi sẽ là một trận đòn nên thân. Suy nghĩ mãi tôi vẫn không dám đi về mà lang thang trên đường phố. Trong túi không còn xu nào, cái giá lạnh của ban đêm cùng cơn đói ập tới khiến tôi thấy mệt mỏi không an toàn. Lo sợ bị kẻ xấu cướp giật hay hãm hại nên tôi trốn vào một góc ngoài cửa bệnh viện để ngủ.

Cảm giác nhịn đói ba ngày như thế nào?

Trong lúc mơ màng tôi nghe tiếng ai đang lay gọi. Mơ hồ tỉnh ngủ thì thấy vẻ mặt khó chịu của ông bảo vệ: Dậy rồi biến ra chỗ khác mày, mấy thằng bụi đời suốt ngày lảng vảng quanh đây phiền chết được. Hóa ra ông ta cho rằng tôi là trẻ bụi đời, mặc dù có vẻ khó nghe nhưng bộ dạng bây giờ của tôi thì nghĩ như vậy cũng không có gì lạ. Tôi rời khỏi bệnh viện rồi đi lang thang vô định trên vỉa hè. Sau một ngày đêm không ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ khiến cơ thể tôi đuối sức. Lết được một đoạn lại đành ngồi gục tại một gốc cây để lấy hơi. Tôi chẳng thể suy nghĩ được gì nữa vì ngay cả bàn tay cũng chẳng nhấc lên nổi, trời đất như đảo lộn cảm giác thật khó chịu. Tôi thấy mình lúc này thật yếu đuối và không có sức kháng cự. Đang phân vân nên trở về thế nào thì thấy một chiếc bánh mì đưa đến trước mắt. Mở mắt ra bắt gặp thằng nhóc Còm cười hì hì nhìn tôi và nói: Anh ăn không?

Trong 16 năm thanh xuân số lần tôi ăn bánh mì rất ít huống chi là bánh mì không lại còn khô và cứng. Tuy nhiên lúc đưa vào miệng tôi lại thấy ngon đến kì lạ, lúc ấy tôi tự dưng nghĩ không biết thằng Còm có tẩm thuốc gì vào chăng để mùi vị đặc biệt hơn. Còm đợi tôi ăn xong mới hỏi:

– Sao anh lại tới đây?

Thấy tôi không trả lời nó định bỏ đi, tôi vội quá liền ngượng nghịu trả lời:

– Anh mải chơi game nên trốn khỏi nhà một ngày

 Thằng nhóc tỏ ra khá ngạc nhiên:

– Người ta không có nhà để về còn anh lại muốn bỏ nhà đi bụi hay thật.

Tôi im lặng thừa nhận điều nó nói và biết hành động của mình thật đáng xấu hổ. Tôi 16 tuổi mà cư xử không bằng một đứa trẻ.

– Sao em biết anh ở đây

– Em làm sao biết được, vừa nãy đi ngang qua đây mua cái bánh mì ăn tạm thì thấy anh

– Anh xin lỗi vì ăn mất bánh của em

– Không sao, em nhịn cũng quen rồi.

Tôi nghe câu nhịn quen rồi của nó mà thấy lòng đắng chát. Nhớ đến những bữa cơm bỏ mứa và suy nghĩ về việc chấp nhận số phận lúc trước của mình mà muốn tự vả vào mặt.

– Mặc dù anh không biết cảm giác ba ngày chưa ăn gì nhưng anh biết cảm giác một ngày chưa ăn gì như thế nào rồi. Rất..khó..chịu. Anh không hiểu được sao em chịu được…

Tôi chưa nói xong đã thấy mắt thằng bé ầng ậng nước chỉ trực trào ra làm tôi cuống quýt không thôi vì chẳng biết mình nói sai gì cả:

Không sao đâu, anh làm em nhớ lại chuyện cũ thôi

Cảm giác nhịn đói ba ngày như thế nào?

Mặc dù tôi không biết chuyện cũ của Còm cụ thể ra sao mà khiến nó buồn như thế nhưng chắc chắn liên quan đến việc đói 3 ngày kia. Tôi cố gắng nói lảng tránh đi bằng chủ đề khác đề làm Còm vui lên. Sau một hồi trò chuyện tôi quyết định về nhà và Còm trở lại nơi thuộc về nó. Lúc đó tôi thấy mình thật bất lực vì không giúp được gì cho Còm. Cho dù có cho Còm một chút tiền thì cũng chẳng thấm tháp gì với tình cảnh của nó. Có lẽ việc duy nhất mà tôi làm được lúc này để đỡ áy náy là về nhà xin lỗi cha mẹ và thành thật ăn sạch sẽ chén cơm của mình bởi nhiều người chẳng có bữa cơm tử tế để mà ăn.

Chỉ mong rằng cuộc đời của Còm sẽ được bình an.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet