Với sự phát triển của các thiết bị di động thì việc tiếp cận game giải trí của người dùng ngày càng dễ dàng hơn. Và nếu không nói đến những tác hại do lạm dụng game thì những lợi ích mà game mobile mang lại cũng không hề nhỏ.
Mặc dù các bậc phụ huynh hầu hết luôn cho rằng việc chơi game sẽ khiến con em họ trở nên lơ là việc học, không nghe lời cha mẹ hoặc thậm chí là hư hỏng…tuy nhiên nếu xét trên quan điểm khoa học thì việc chơi game sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn cách mà các phụ huynh nghĩ. Dĩ nhiên nếu biết lựa chọn các game hợp lý và sắp xếp thời gian chơi phù hợp thì ngoài tác dụng giải tỏa căng thẳng, những lợi ích của game còn nhiều hơn thế.
Phản xạ nhanh hơn, tay và mắt phối hợp tốt hơn
Các nghiên cứu mới đây cho hay khi chơi game nhất là những trò chơi nhập vai có các pha hành động cường độ cao có thể cải thiện khả năng phản xạ của người chơi. Việc bạn phải xử lý những tình huống đòi hỏi sự chính xác cũng như nhanh nhạy khi tương tác giữa người chơi và game còn giúp cho sự kết hợp giữa mắt và bàn tay linh hoạt hơn. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên bạn khi chơi các môn thể thao ngoài trời hay xử lý những trường hợp cần phản xạ cực nhanh trong cuộc sống thực tế hàng ngày.
Cải thiện tư duy, rất tốt cho người đi làm hay lên kế hoạch, chiến lược
Đối với các trò chơi điện tử luôn đưa ra các thử thách từ dễ như ăn cháo đến khó cùng cực, yêu cầu người chơi phải tư duy bằng cả bộ óc nhạy bén của mình. Và từ đó vạch ra những chiến lược và kế hoạch hợp lý, ‘hạ gục’ mọi khó khăn của trò chơi. Trong thực tế điều này cũng sẽ hỗ trợ bạn trong công việc, nâng cao kỹ năng tư duy, hoạch định các chiến lược đúng đắn và tạo ra thành công.
Bạn sẽ kiên trì hơn, biết cách phối hợp trong làm việc nhóm
Hoàn toàn có thể! Đa số các trò chơi, ngoại trừ các thể loại siêu đơn giản, thì đều không hề dễ dàng cho người chơi ‘phá đảo’. Tuy nhiên cũng có không ít trò chơi đề cao sự phối hợp giữa người chơi và bạn bè cùng chơi của mình nếu muốn giành chiến thắng. Điều đó dĩ nhiên cũng sẽ khiến cho khả năng làm việc nhóm của bạn ngày càng tốt hơn. Cùng bàn luận và cùng hợp tác thì vấn đề cũng có thể mau chóng được giải quyết hơn.
Game càng khó chơi thì càng hấp dẫn và hầu hết game thủ đều muốn vậy. Chính vì thế mà các nhà làm cũng dần chuyển sang xu hướng tạo các những trò chơi với hệ thống nhiệm vụ vô cùng ‘khó nhai’. Từ đó nếu muốn vượt qua hết các nhiệm vụ của những game siêu khó thì việc hợp tác với bạn bè ở chế độ co-op thực sự vẫn chưa chắc thành công.
Điều này đồng nghĩa với việc các game thủ cũng cần phải thực hiện nhiệm vụ này nhiều lần, phối hợp với những chiến lược và kế hoạch khác nhau tới khi nào thành công thì thôi. Và đây chính là lợi ích tạo ra sự kiên trì nơi người chơi. Tin tôi đi, cảm giác hoàn thành 1 nhiệm vụ cực khó trong game sẽ sung sướng biết chừng nào.
Điều trị những căn bệnh mãn tính
Điều này có thể khó tin tuy nhiên nó có thật. Trong 1 nghiên cứu về tác động của trò chơi điện tử từ Đại học Utah (Hoa Kỳ) vào năm 2012 có chỉ ra rằng việc chơi game có thể điều trị 1 số căn bệnh mãn tính ở đối tượng trẻ em mắc bệnh tự kỷ hoặc bệnh Parkinson. Nghiên cứu từ trường Utah cũng chứng minh rằng với 1 số trò chơi nhất định dành riêng cho việc nghiên cứu thực tế có nhiều tác động tích cực, cải thiện khả năng phản hồi, giao tiếp ở trẻ em mắc bệnh.
Chơi game có tác dụng tác động vào các dây thần kinh cảm xúc tồn tại trong bộ não của trẻ, sinh ra các cảm xúc tích cực và hình thành nên 1 cơ chế phản xạ tự nhiên của cơ thể khiến cho các bệnh nhi tự kỷ cải thiện khả năng ứng xử.
Chơi game giúp giảm đau
Lại thêm 1 nghiên cứu khoa học ghi nhận tác dụng tốt của chơi game. Lần này là của các nhà tâm lý học thuộc Đại Học Washington kết luận rằng chơi game ngoài khả năng giải trí thông thường còn có thể giúp làm giảm những cơn đau, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Điều này hoàn toàn chính xác ở 1 bệnh viện mà có các bác sĩ dùng 1 trò chơi mang tên ‘Snow Worlds’ nhằm làm giảm cơn đau của các binh sĩ bị thương.
Trò chơi rất đơn giản, 1 thế giới bằng tuyết được tạo ra bởi rất nhiều các quả banh tuyết và người chơi chỉ cần ném các quả banh này vào những chú chim cánh cụt khác nhau. Với gameplay cực kỳ đơn giản, Snow Worlds khiến các bệnh nhân phần nào khắc chế những cơn đau cũng như chế việc dùng các loại thuốc giảm đau để phục hồi thương tổn.
Tốt cho mắt lắm
Thoạt nghe thì có thể nhiều người cho đây là điều vô lý vì mải miết chơi game, ‘dán mắt’ vào thiết bị thì thị lực sẽ ngày càng suy giảm chứ sao lại là cải thiện. Tuy nhiên những kết quả từ nghiên cứu khoa học sẽ đáng tin cậy hơn cả, cụ thể là nhà khoa học Daphne Bavelier của Đại Học Rochester lại có nghiên cứu chứng minh lợi ích của chơi game với mắt người.
Theo Bavelier, khi chơi điện tử thì khả năng nhận biết sự thay về đổi màu sắc hay sắc thái, còn gọi là độ nhạy tương phản của mắt sẽ tăng lên rất nhiều. Nhất là với những người thường xuyên chơi thể loại game hành động hay bắn súng đòi hỏi sự theo dõi liên tục thì sẽ có khả năng nhạy bén hơn và nhận thức về sự tương phản màu của họ cao hơn người bình thường 58%. ‘Khi chơi game hành động, não sẽ được kích thích thay đổi chuỗi phản ứng hóa sinh chịu trách nhiệm trong quá trình sử dụng thị giác’, Bavelier cho biết thêm.
Chơi game xong ngủ còn ngon hơn
Những cơn ác mộng sẽ khiến con người sợ hãi và có thể gây mất ngủ. Thế nhưng đối với những người hay chơi game thì thì tần suất gặp ác mộng của họ ít hơn, thậm chí là không có. Và tôi cũng nghĩ là khi chơi mệt quá thì chắc bạn cũng sẽ ngủ khò mà thôi, làm gì có cơ hội mơ với chả mộng.
Đùa 1 chút thôi chứ đây hoàn toàn lại là 1 nghiên cứu khoa học khác đến từ Đại Học Grant MacEwan chứng minh rằng thường xuyên chơi game sẽ giúp con người làm chủ những giấc mơ của mình và không có cửa cho những cơn ác mộng đáng ghét lọt vào giấc ngủ.
Game thủ có xu hướng ‘tỉnh táo’ hơn trong mơ, hiểu nôm na là có thể điều khiển luôn giấc mơ của mình. Giải thích cho điều này, các khoa học gia cũng cho biết thêm những người thường chơi game, họ vốn quen với việc tiếp xúc 1 thế giới ảo và nhìn ở 1 khía cạnh thì giấc mơ cũng giống thế giới ảo của game. Chính vì vậy game thủ có thể điều khiển ý thức trong mơ của mình hệt như 1 nhân vật ảo trong thế giới game.
Rất thú vị phải không? Nếu bạn hay gặp ác mộng thì tại sao không thử chơi game giải trí mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ nhằm cải thiện điều này. Tôi cũng từng thấy mình trong giấc mơ với khả năng bay lượn, thậm chí là chiến đấu với quái vật đấy, và thực tế là chưa gặp ác mộng bao giờ. Có thể bạn không tin nhưng tôi cũng đành chịu vì không thể quay phim lại giấc mơ của mình.
Chơi game nhiều, bạn sẽ trở nên quyết đoán hơn
Đặc biệt với các trò game có nhịp độ cao, đòi hỏi sự tương tác và phản ứng nhanh từ phía người chơi có thể hình thành nên 1 thói quen. Điều này ảnh hưởng nhiều tới sự quyết đoán của game thủ khi tham gia các hoạt động ngoài đời thực, họ sẽ luôn chuẩn bị sẵn cho mình 1 kế hoạch và sẵn sàng áp dụng nó khi cần thiết.
Nhà nghiên cứu Daphne Bavelier cho hay: ‘Các game thủ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn đúng đắn hơn trong cùng 1 thời gian. Nếu bạn là bác sĩ phẫu thuật hay quân nhân chiến đấu thì sự quyết đoán đôi khi có thể đánh đổi cả mạng sống của chính bạn và người khác.’
Dĩ nhiên thì mọi thứ trên đời vốn đều có 2 mặt, chơi game cũng vậy. Mặc dù ai cũng biết rằng lạm dụng game quá mức sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực cho con người thế nhưng các mặt tích cực thì không thể phủ nhận. Hãy nhớ ‘cái gì quá cũng không tốt’, nên chơi game có chừng mực để giữ gìn và cải thiện sức khỏe.
Bình luận