Theo một cách nào đó, game thủ (gamer) cũng giống như những siêu anh hùng, chúng ta không tự nhiên trở thành gamer, mà đằng sau đó là cả một câu chuyện quá khứ “hào hùng”.
Người bình thường chỉ nhìn thấy chúng ta đang “giết” thời gian, hay xả hơi sau một ngày học tập, làm việc vất vả. Nhưng thực chất, lý do mà chúng ta giành cả đêm chu du trên những miền đất lạ, giao chiến với những con quái vật khủng khiếp, hay xây nên những tòa lâu đài tráng lệ, lại sâu sắc hơn thế rất nhiều.
Vậy, tại sao chim lại hót? Tại sao cá lại bơi? Và tương tự như vậy, tại sao gamer chúng ta lại chơi game? Sau đây là một vài lý do mà 2Game nghĩ có thể đám “người phàm” đó không biết đến:
Để thoát khỏi thế giới
Thế giới này từ lâu đã không còn là nơi an toàn, bất cứ nơi đâu bạn nhìn cũng thấy dịch bệnh, khủng bố và bạo lực. Dù bạn trốn trong nhà, đi bộ ngoài đường, hay đứng cạnh xe bus, sự nguy hiểm vẫn luôn luôn rình rập.
Thế nhưng ở Azeroth không hề có vi rút Zika, tại kinh thành Whiterun bọn IS không thể nào bén mảng tới được. Bước vào thế giới game ấy, bạn đã miễn nhiễm khỏi mọi sự xấu xa trên đời này. Mặc dù nó chỉ là một giải pháp tạm thời, nhưng ít nhất cũng sẽ cho bạn cơ hội thở một hơi thật sâu, lấy lại sự bình tĩnh và đối mặt với một ngày nữa ở ngoài thực tại đáng sợ kia.
Bởi vì đó là “việc mà họ làm”
Thói quen là một nền tảng quan trọng của cuộc sống hiện đại. Chúng ta thức dậy, tập thể dục, đi học, làm bài tập, lên giường… Mặc dù những rập khuôn này có thể đôi lúc sẽ khiến mọi người cảm thấy chán chường, nhưng nhờ nó mà ta bám chặt lấy niềm đam mê của mình như một chiếc phao cứu sinh.
Bên cạnh đó chính những sở thích, đam mê đó đã góp phần định hình nên nhân cách của mỗi con người. Một anh chàng suốt ngày đi tập gym sẽ trở thành một “con nghiện thể hình”, hay một cô gái luôn dành thời gian nghe nhạc, vẽ vời sẽ được người ta gọi là “tâm hồn nghệ sỹ”.
Anh/cô ta làm điều đó mỗi ngày không hẳn là vì muốn thế, mà nhiều khi đơn giản là bởi đó là điều mà họ đã quen thuộc với, và người khác cũng kỳ vọng rằng họ sẽ làm điều đó. Đối với gamer cũng vậy, chúng ta chơi game mỗi ngày nhiều khi là bởi thói quen, là bởi chúng ta không cần động lực gì để chơi game cả, đó chỉ là “việc mà chúng ta làm” thôi.
Để dành thời gian với (hoặc làm quen thêm) bạn bè
Ngày nay, có vẻ như mọi người thích sống “online” hơn là “offline”. Cũng dễ hiểu, bởi qua chiếc màn hình máy tính, nhiều khi chúng ta sẽ tự tin và thoải mái hơn trong việc tạo lập những mối quan hệ. Và cộng đồng game online là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm những người bạn mới có cùng niềm đam mê với mình.
Mặc dù thường xuyên tràn ngập những spamer và nhiều thanh niên “ngáo đá”, song kênh tán gẫu in-game cũng là nơi mà bạn có thể tìm thấy những đồng minh thân thiết trong cuộc hành trình của mình. Đừng ngần ngại, game không phải là chỉ để chơi, mà nó còn là để chia sẻ trải nghiệm với những người xung quanh bạn!
Để giỏi một cái gì đó
Mỗi người chúng ta đều có một tài năng riêng biệt, đó có thể không phải những tài năng “chính thống” mà xã hội luôn ca ngợi như trí tuệ hay sức mạnh, sắc đẹp, mà chỉ là bạn có khả năng … ăn nhiều xúc xích hơn tất cả mọi người chẳng hạn! Nhiều khi vì những rào cản trong cuộc sống mà bạn không tìm được cách thể hiện mình để chứng minh tài năng đó, và game là nơi để bạn có thể dễ dàng phát hiện ra “năng lực đặc biệt” của mình”.
Đơn giản là bởi nó có rất nhiều khía cạnh để cho bạn giỏi, dù là khả năng xếp hình đơn giản như trong “Candy Crush Saga”, hay phản xạ nhanh nhạy để vượt qua những màn chơi của “Dark Souls 3”, gần như chắc chắn rằng bạn sẽ tìm thấy một trò chơi mà mình yêu thích, và tin rằng mình có thể chơi giỏi được. Biết đâu trong tương lai, bạn lại là nhà vô địch eSports thì sao!
Để thưởng thức nghệ thuật
Game là sản phẩm của trí tưởng tượng, mang đến cho ta những trải nghiệm lý thú và vô số cung bậc cảm xúc khác nhau. Game chính là nghệ thuật, và chơi game là thưởng thức nghệ thuật.
Cũng giống như việc người ta đến viện bảo tàng, đứng ngắm nhìn hàng tiếng đồng hồ và gật đầu tâm đắc trước những bức tranh của Leonardo da Vinci, chúng ta ngồi trước bàn máy tính trong phòng ngủ thẩm định từng chi tiết trên trang phục của nhân vật, những nét chạm khắc trên cổng lâu đài, hay những đoạn hội thoại đầy sống động khiến câu chuyện trong game trở nên chân thực hơn bao giờ hết.
Đúng như câu nói nổi tiếng của Jeff Goins: “Nghệ thuật không bao giờ là hoàn thiện”, các nhà phát triển game không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm của mình, mang đến cho chúng ta những trải nghiệm ngày càng hoàn mỹ, khó quên.
Để được truyền cảm hứng
Cũng giống như cách mà các họa sỹ tìm được cảm hứng từ những bức tranh treo trên tường nhà hàng xóm hay các nhạc sỹ tạo ra một bản nhạc từ một giai điệu thân thuộc từ nhỏ, các nhà phát triển game cũng lấy ý tưởng từ chính những trò chơi mà họ từng trải nghiệm để làm nên sản phẩm mới của riêng mình.
Tất cả những hình ảnh, âm thanh, những bản màu, nhân vật, đến cả những chi tiết nhỏ nhất trong từng trò chơi mà chúng ta đã trải nghiệm sẽ kết tinh lại dần dần trong tâm trí, sẽ có lúc tình cờ truyền cho ta niềm cảm hứng tới bất cứ công việc gì mà chúng ta trong đời sống thực. Rồi chắc chắn, chúng sẽ còn giúp tạo ra một thế hệ nhà phát triển mới, kế thừa những tinh hoa của quá khứ và hoàn thiện thế giới game trong tương lai.
(Lược dịch theo Nowloading)
Bình luận