Với một môi trường giải trí trực tuyến không ngừng được làm mới, được bổ sung những sản phẩm chất lượng hơn, dịch vụ tốt hơn và hướng đến cộng đồng là đòi hỏi quan trọng bậc nhất của các game thủ.
Theo thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp phát hành game trong nước và nước ngoài cho thấy lượng game thủ Việt Nam hiện đã gia tăng xấp xỉ 29,6 triệu người, trong đó game thủ online ở phân khúc MOBA, Thể thao, Bắn súng, Nhập vai chiếm đa số. Con số này cho thấy sự phát triển nhanh chóng về nhu cầu giải trí với game ở giới trẻ hiện nay, một nhu cầu dù còn nhiều hướng đánh giá, song đã có thật và cần được nhìn nhận nghiêm túc.
Nhiều người từng nêu thắc mắc, không biết các game thủ tìm thấy gì trong các trò chơi trực tuyến, để suốt ngày mê mải vào đó. Song sự thật không phải vì có trò chơi trực tuyến mới có người chơi game quên ăn quên ngủ. Thực tế ai cũng hiểu nhu cầu không thể thiếu của con người chính là sự giải trí thông qua nhiều hình thức, mà chơi trò chơi là dạng cơ bản nhất. Cho nên ngay từ thuở trong nôi đến tuổi trưởng thành, trò chơi luôn giữ vị trí quan trọng với giới trẻ. Trong quá khứ khi chưa có Internet, cảnh các bà mẹ giữa trưa xách roi đi tìm cậu con trai đang mê mải đánh bi, chọi dế, đá cá…là chuyện có thể gặp bất kỳ nơi đâu.
Vì vậy chúng ta không thể nhìn nhận võ đoán rằng do 1 lĩnh vực giải trí như game online mà giới trẻ có hành vi lệch lạc, sai lầm. Ngược lại cần nhìn nhận theo chiều đối nghịch, là chính những nhu cầu thiếu sự hướng dẫn, thái quá, sẽ kéo giới trẻ vào những trò vui mà họ không tự kiểm soát được như đua xe, cờ bạc…Bởi một thanh niên ấm ức với những quy định khắt khe ở gia đình sẽ có hướng nổi loạn, tìm cảm giác mạnh khi chạy xe tốc độ cao. Một thanh niên chán nản với công việc nhàm chán, sẽ có lúc muốn đập phá gì đó. Tương tự khi một cậu bé vùi đầu vào game là biểu hiện thông điệp về nỗi cô độc do người thân thiếu quan tâm. Nếu được sẻ chia và can thiệp, tháo gỡ điều đó, giới trẻ sẽ tự nhận ra lại vấn đề để điều chỉnh hành vi.
Cộng đồng game thủ, nghĩa là những người yêu thích game và chơi game rất cần sự nhìn nhận theo hướng vậy. Bởi vì với họ game không đơn giản là 1 hình thức giải trí đầu óc, mà còn ẩn tàng phía sau nhiều nhu cầu khác, gắn chặt với cuộc sống và nhận thức của họ. Một khi có được hỗ trợ đúng đắn từ người khác, họ sẽ biết phát huy những mặt tốt của game, hạn chế những tiêu cực cũng như nguy cơ quá đà về hành vi chơi game.
Hệ thống quản lý thân thiện, thái độ vận hành tích cực từ NPH Game
Giới chuyên môn về tâm lý luôn nêu rõ, chính hành vi cộng đồng có quan hệ trực tiếp sẽ tác động mạnh nhất đến mỗi cá nhân trong đó. Với các game thủ, điều này thật sự đáng lưu ý bởi bản chất game luôn gắn với cộng đồng những người cùng sở thích và game online chỉ là môi trường giải trí có tính tương tác cộng đồng cao trên mạng Internet. Nếu môi trường được định hướng lành mạnh, là nơi giao thoa hành vi mỗi cá nhân với thái độ tích cực,…tất yếu game thủ sẽ không có những biểu hiện tiêu cực hay quá đà.
Do đó nếu các game thủ được tổ chức thành những nhóm cụ thể, có những quy định kiểm soát với nhau, như trong 1 bang phái, 1 câu lạc bộ, 1 tổ chức hoạt động gắn với trách nhiệm xã hội, họ sẽ được điều chỉnh hành vi. Dù chơi game trực tuyến hay không, họ cũng cần được trực tiếp gặp gỡ, giao lưu cùng những người khác trong cộng đồng nhóm. Đây chính là điểm hạn chế của nhiều nhà phát hành game trong thời gian qua, chưa chú trọng đến các sự kiện cộng đồng cho game thủ dưới góc độ giao lưu văn hóa, tâm lý, mà chỉ có những chương trình nhằm quảng bá, tiếp thị, thậm chí cổ vũ thái độ đam mê chơi game.
Cạnh đó chính việc tiếp xúc, giao lưu với nhau trong 1 cộng đồng có cùng sở thích sẽ tạo tâm lý tình cảm tương cận giữa các game thủ, khiến họ nảy sinh những nhu cầu cộng đồng mới nằm ngoài trò chơi, như giải trí thể thao, tham gia công tác xã hội…Việc những game thủ tổ chức offline để quyên góp tiền cho người nghèo, hay chỉ đơn giản nói chuyện với nhau, đều mang lại thái độ tích cực để họ không còn sa đà vào game. Đây chính là cơ sở để nhiều người tổ chức những hình thức kiểu trại cai nghiện game để trục lợi, trong khi chỉ cần ngay từ đầu các game thủ trong quan hệ với gia đình, nhà phát hành và cộng đồng có hoạt động đối thoại – văn hóa ứng xử – vấn nạn lậm game đã không xảy ra. Cho nên, xây dựng môi trường giải trí game với sự can thiệp của cộng đồng người chơi, có sự hỗ trợ định hướng hành vi, thái độ tích cực từ nhà phát hành, là đòi hỏi cần có đầu tiên của các game thủ hiện nay.
Môi trường giải trí tốt hơn từ NSX, NPH Game, Quán net, Xã hội, Gia đình, Nhà nước
Đây chính là vấn đề thứ hai cần đặt ra của các game thủ trong mục tiêu kiểm soát, định hướng hành vi chơi game. Các nhà cung cấp đã có định hướng thế nào về các sản phẩm, dịch vụ cho game thủ, là nền tảng chính. Điều phải nói là dù có rất nhiều phê phán, nhưng cho đến nay các số liệu thống kê khoa học, chính xác về mối quan hệ giữa chơi game và các hành vi bạo lực, nguy hiểm chưa hề được xác nhận trong những cuộc điều tra xã hội trên thế giới. Trái lại không ít nhà giáo dục và tâm lý học ở các nước tiến bộ lại chỉ ra, những môi trường giải trí có tính tương tác cao như game online có thể giúp giới trẻ định dạng hành vi tích cực hơn.
Không hề ngẫu nhiên như tổ chức Lương thực thế giới phát hành 1 số game online liên quan bài toán cung cấp bữa ăn cho cộng đồng, cổ vũ các game thủ chơi nhằm tạo nhận thức đúng hơn về vấn nạn thiếu đói mà cả thế giới đang phải đương đầu. Bộ Quốc phòng của các nước như Mỹ, cũng sử dụng 1 số trò game nhập vai hành động nhằm hỗ trợ nhận thức về hành vi có kiểm soát của các binh lính. Tất cả chứng minh nếu được tổ chức đúng và có các sản phẩm game mang tính giáo dục, cộng đồng game thủ sẽ hướng đến sự năng động, tốt đẹp trong hành vi hơn.
Điểm này xét ra thật sự còn rất hạn chế với các nhà phát hành game online trong nước, khi chỉ thường xuyên đưa ra những game có yếu tố đối kháng cao, tổ chức những sự kiện ganh đua, tranh chấp, hơn là tạo sự thân thiện và nối kết ái hữu trong các trò chơi. Đặc biệt về cung cách phục vụ, đa số nhà phát hành cần xem lại chất lượng dịch vụ. Bởi không ít trò chơi có nội dung nghiêm túc vẫn bị game thủ thực hiện các hành vi gian lận và thông tin phá hoại. Lý do là họ muốn phá rối 1 dịch vụ không có chất lượng và tạo sự ức chế tâm lý hơn là sự hợp tác phát triển. Cho nên với một môi trường giải trí không ngừng được làm mới, bổ sung những sản phẩm tích cực hơn, dịch vụ tốt hơn và hướng đến cộng đồng thân thiện, là đòi hỏi quan trọng thứ hai của các game thủ.
Những nhìn nhận thỏa đáng từ xã hội
Tuy nhiên quan trọng hơn cả là cộng đồng những người chơi game hiện nay, đang rất cần sự nhìn nhận thỏa đáng từ môi trường xã hội chung và mỗi cá nhân riêng. Nếu cộng đồng chung vẫn nhìn nhận họ với các góc độ tiêu cực cực đoan, thậm chí đánh giá sai lệch, nhầm lẫn,…họ sẽ không thể định hình được những định hướng hành vi đúng.
Đơn cử trong những vụ án xã hội thời gian gần đây, khi thông tin về vụ án và hung thủ, nhiều bài báo cố tình gán ghép hành vi phạm tội của kẻ thủ ác với nhu cầu giải trí chơi game, đánh đồng việc chơi game với nguồn gốc tội phạm một cách phi lý, võ đoán. Nhiều thông tin còn gán ghép cẩu thả những hành vi cá nhân ngoài đời vào việc chơi game, theo kiểu “kết án không cần tòa” để cho rằng môi trường game là xấu xa, nghiện ngập…Từ những lý luận không hợp lý đó, cộng đồng hóa ra trở nên kỳ thị với %&&&&&%, đánh đồng game với tệ nạn ma túy, cờ bạc và đi đến ngăn chặn sự phát triển tốt của môi trường game.
Không ít game thủ có ý thức và nhà phát hành tỏ rõ quan điểm họ không mong cộng đồng khen ngợi, chỉ cần được nêu chính xác những việc đúng sai, được và chưa được là đã tốt lắm rồi. Đây chính là mong đợi quan trọng thứ ba của các game thủ để qua đó từ sự ủng hộ, hiểu đúng của các nhà quản lý, các gia đình, môi trường giáo dục sư phạm…họ sẽ xây dựng nên môi trường và cộng đồng các game thủ lành mạnh, thân thiện và đóng góp tốt vào cuộc sống.
Bình luận