Thử so sánh cách thức giao tiếp cho đến trải nghiệm game của gamer Việt và Nước ngoài

Thích hỏi ngu, lười giao tiếp và ít tìm hiểu có thể xem là những căn bệnh trầm kha lâu năm nhất của giới game thủ Việt khi chơi game online.

Văn hóa giao tiếp: Khác xa một trời một vực

Những game thủ nước ngoài thường khá thân thiện, tuy không phải thân thiện kiểu gặp ai cũng bắt chuyện nhưng mỗi khi bạn bắt chuyện thì họ đều trả lời một cách lịch sự. Bạn cũng có thể cảm nhận được điều này khi chơi game online nước ngoài, dù cộng động lớn hay nhỏ, bạn luôn thấy được sự thân thiện của người chơi xung quanh.

Đặc biệt nhất là đối với những người mới chơi, mỗi khi thắc mắc gì trong game bạn đều có thể chat lên kênh thế giới để hỏi, khi đó sau khoảng 10 giây thôi là bạn sẽ nhận được câu trả lời từ nhiều người pm riêng. Đây cũng chính là lí do vì sao mà newbie ở bất cứ game online nào rất dễ dàng phát triển vì nhận được sự trợ giúp từ nhiều người khác, không phải là tiền trong game mà đa số là kinh nghiệm chơi hay ít nhất là kéo dungeon.

2game-so-sanh-gamer-viet-va-nuoc-ngoai-4s.jpg (700×394)

Vậy còn ở Việt Nam thì sao?! Xin thưa rằng đa số game thủ thường ít giao tiếp với người lạ, vì sự phức tạp trong vấn đề xưng hô giữa những người chơi với nhau, dùng từ sai có thể tạo ác cảm cho người khác từ đó dẫn tới sự thân thiện ngày một giảm dần. Ngoài ra những người chơi thường không để ý nhiều lắm tới newbie và đôi khi cũng lười trả lời những câu hỏi vớ vẩn, vô duyên.

Khác với game online nước ngoài là bạn chỉ cần chat một câu đơn giản hỏi về một vấn gì đó một cách lịch sự – không cần thiết phải xưng hô với người nào cả nhưng cũng nhận được câu trả lời. Còn ở đây khi bạn chat như vậy có nghĩa là bạn đang hỏi trống không, không biết bạn đang hỏi ai hay người nào nên chỉ những người tốt bụng mới trực tiếp pm để giải đáp cho bạn. Vì vậy xưng hô cũng ở đây cũng vô tình tạo ra một rào cản nhỏ nhỏ giữa người chơi với nhau. Ngoài ra cũng còn một nguyên nhân nữa làm cho người chơi lười trả lời câu hỏi của newbie, nó liên quan tới việc tìm hiểu thông tin khi đang chơi game.

Chơi game và tìm hiểu: Họ chuyên sâu còn mình bề nổi

Những game thủ nước ngoài đa số khi chơi đều khá nghiêm túc và nhập tâm, vì vậy mà những vấn đề trong game thường được mọi người bình luận rất nhiều và mọi khía cạnh. Họ cũng có tính tự lập và tự tìm hiểu về game, nên những câu hỏi thường gọi là “hỏi ngu” rất ít thấy.

Căn bản là người chơi nước ngoài họ có ảnh hưởng từ tính tự lập hồi nhỏ, nên khi gặp rắc rối về bất cứ vấn đề gì họ thường tự mình giải quyết trước – nếu không được thì mới tìm sự trợ giúp từ người khác. Còn khi nói tới những bí kíp hay hướng dẫn thì rất nhiều, điển hình là các loại Wiki, những người chơi cũng đã quen với việc này nên tự động lần mò trong các diễn đàn hay Wiki trên trang chủ, cộng đồng mạng để tìm kiếm thông tin mình cần.

2game-so-sanh-gamer-viet-va-nuoc-ngoai-2s.jpg (700×525)

Thế nhưng game thủ Việt thì không vậy, thường ỷ lại từ hệ thống, người khác và rất lười tìm hiểu. Ví dụ cơ bản nhất là trong khi game đã có hướng dẫn chức năng của những icon hay nút trong game rồi, nhưng lại thích bỏ qua sau đó hỏi lại người khác. Bạn có thể dễ dàng gặp chuyện này trong các game MMORPG, ví dụ “Ai biết item này sử dụng làm sao không ?” trong khi trên item đã có hướng dẫn sử dụng rõ ràng – rất dễ hiểu là đằng khác nhưng vẫn không thèm đọc.

Điều này giống như cố tình vậy, “item này có hướng dẫn sử dụng nè – thôi kệ hỏi trước đã rồi tính sau, cần gì phải đọc”. Đây cũng là lí do mà cộng đồng hay thường lạnh nhạt với newbie, bạn hỏi những câu không đáng hỏi – như vậy sẽ làm người khác khó chịu trong khi chỉ cần để ý một chút là đã biết rồi. Không chỉ hỏi ở trong game mà ngay cả trên diễn đàn hay các group Facebook  về game cũng xuất hiện, những người chơi này rõ ràng có internet nhưng lại không thích tìm kiếm mà chỉ thích hỏi – việc này lại biến tập thể người chơi trở thành một cái FAQ trực tuyến. Nên khi bạn chơi một game gì đó có thắc mắc muốn hỏi, mà lại bị lờ đi thì bạn cũng biết lí do rồi đó.

Cái tôi của từng người: Bên ta thì đặt nặng còn họ thì xem nhẹ

Những game thủ nước ngoài thường có ý thức cao – mặc dù là ở trong thế giới ảo. Bạn cứ thử chơi một game online nước ngoài và một game ở Việt Nam là sẽ thấy rõ, không nói đâu xa là Liên Minh Huyền Thoại, khi chơi ở server nước ngoài bạn có cảm giác đây là một thế giới khác tươi đẹp và thân thiện hơn, ít gặp người xấu hack cheat, phá game hơn. Thậm chí khi tiếp xúc với những người chơi nước ngoài nhiều bạn sẽ ảnh hưởng và có suy nghĩ khác đi, như bớt ích kỹ hơn – bỏ cái tôi – xin lỗi và cảm ơn nhiều hơn.

2game-so-sanh-gamer-viet-va-nuoc-ngoai-3s.jpg (700×406)

Còn khi chơi ở Việt Nam bạn sẽ bắt gặp rất nhiều thói xấu như bắt nạt người chơi khác – lừa đảo – gian lận – phá hoại – văng tục và còn nhiều nữa. Nói tới đây chắc sẽ có người nghĩ “Ở đâu cũng có người xấu chứ đâu phải Việt Nam không đâu”, nhưng nếu bạn không có trong sổ đen những việc xấu trên thì chắc chắn bạn sẽ không nói câu đó. Vì nếu bạn là người chơi có ý thức thì sẽ nhìn nhận cái sai – cái xấu của mình mà sửa, chứ không phải ngụy biện rằng các tật xấu này ở đâu cũng có. Nhưng khi bạn nói như vậy, nghĩa là bạn đã hiểu rằng nó xấu, nhưng tại sao bạn vẫn làm?!

Bạn cũng có thể thấy sự khác biệt giữa ý thức của người chơi khi gia nhập vào một tập thể lớn như guild/bang hội trong game. Khi vào các guild của game nước ngoài, bạn sẽ thấy tập thể người chơi hòa đồng, hiếm khi có chuyện xảy ra – nhưng nếu có xảy ra thì được giải quyết một cách ít ồn ào nhất có thể, thậm chí bạn hầu như còn không biết có chuyện lùm xùm đang xảy ra nếu như không để ý.

2game-so-sanh-gamer-viet-va-nuoc-ngoai-1s.jpg (700×467)

Còn ở Guild Việt Nam thì không khí rất không thoải mái, đặc biệt khi bạn là newbie mới vào và không quen biết nhiều người – dần dần lại bị cô lập khi ở trong một Guild của những người chơi đồng hương. Chưa hết, những Guild Việt Nam thường xảy ra nhiều chuyện từ lớn tới nhỏ như phá hoại ngầm – nội chiến các kiểu hay xung đột cá nhân về quyền lợi, và thường những vụ này rất rầm rộ tới nỗi cho dù 3-4 ngày bạn mới vào game một lần mà vẫn biết.

Không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà ngay cả trong giải trí nói chung và trong game nói riêng, ý thức luôn đóng một phần rất quan trọng. Bạn có thể chơi dở, đồ đạc không xịn, hay tiền không nhiều bằng đại gia top nạp thẻ, nhưng chỉ cần bạn biết được tốt xấu và không làm những việc xấu là được. Việc này không giúp bạn nổi tiếng hay giàu hơn trong game, nhưng nó cũng phản ánh một phần của bạn ngoài đời thực. Cũng tương tự như bạn tạo 2 account ở 2 tựa game, một game là Đời thực, một game là Thế giới ảo, những việc bạn làm dù tốt hay xấu ở game thứ nhất thì ở game thứ hai cũng như vậy!

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet