Giải mã ý nghĩa của các thiết lập đồ họa trong game (2)

Mức độ chi tiết của các thiết lập đồ họa trong game càng ngày càng trở nên phức tạp hơn xưa với rất nhiều các tùy biến và những thuật ngữ nghe rất lạ tai.

Ambient Occlusion

Ambient Occlusion tạo các mảng tối ở những khe hở – chỗ tiếp xúc giữa các vật thể hay nếp nhăn trên thứ gì đó, đổ bóng sẽ chi tiết và nhiều hơn làm cho môi trường trở nên thật hơn. Ambient Occlusion tính toán vị trí của vật thể với nhau và với nguồn sáng, sau đó mô phỏng những vùng mà ánh sáng không chiếu tới.

Bloom

Bloom tăng cường độ chiếu sáng của nguồn sáng trong game (ví dụ như mặt trời), làm cho nguồn sáng trở nên sống động và giống với thế giới thật hơn.

Nhiều game sử dụng hiệu ứng Bloom khác nhau, có thể giống thật hoặc cũng có thể gây khó chịu. Bạn cũng nên thử bật lên trước để xem thế nào, nếu thấy quá chói hoặc làm mất tập trung thì bạn có thể tắt đi.

Motion Blur

Hiệu ứng này sẽ làm môi trường mờ đi khi bạn di chuyển hoặc xoay camera. Tùy chỉnh này không quan trọng, mà chỉ phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Nhiều người sẽ thích có Motion Blur để tăng tính thực tế và đẹp hơn, còn lại thì sẽ thấy hơn chóng mặt và khó nhìn ở những màn hành động nhanh.

Motion Blur cũng có ảnh hưởng tới FPS nhưng tùy game, các game mới hiện nay hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của Motion Blur tới FPS.

Tessellation

Tessellation tăng thêm độ chi tiết cho bề mặt và các vật thể trong thế giới game. Phương pháp này tính toán thông tin và tăng chiều sâu lẫn độ phức tạp của các vật thể.

Lý thuyết là vậy những còn tùy thuộc vào các nhà phát triển game làm như thế nào nữa. Có thể tạo sự khác biệt rõ ràng hoặc chỉ đôi chút, nên bạn cứ thử bật tắt để kiểm tra có sự khác biệt nào không.

Depth of Field

Depth of Field mô phỏng ống kính của camera, những vật thể trước mặt sẽ rõ ràng còn những vật thể phía xa sẽ mờ đi, tương tự như mắt con người khi nhìn tập trung vào cái gì đó. Depth of Field không ảnh hưởng nhiều tới FPS nên tùy thuộc theo sở thích mà bạn có thể bật hoặc tắt. Nhiều người sẽ cảm thấy thật hơn khi bật, một số người khác thì thấy không cần thiết hoặc không thích những vật thể ở xa mờ căm.

Texture Quality

Texture Quality là chất lượng của lớp chi tiết được phủ lên model 3D. Texture Quality càng cao thì chi tiết bề mặt của vật thể sẽ rõ nét và đẹp hơn, nhưng nó cũng đòi hỏi VRAM nhiều.

Đây là một trong những tùy chỉnh quan trọng và cũng cơ bản nhất. Sự khác biệt giữa các mức Low – Med – High sẽ khá rõ, nhưng cũng tùy vào game. Ngoài ra cũng tùy theo game bạn chơi mà texture quality đóng vai trò khác nhau, những game hành động nhanh thì không cần chi tiết vì bạn không có thời gian để ngắm cảnh, những game có nhịp chơi chậm hoặc có nhiều chi tiết thì nên thiết lập mức Med – High trở lên.

Shadow Quality

Cũng giống như texture quality. Shadow Quality là chất lượng của bóng khi đổ lên các bề mặt khác, thiết lập càng cao thì bóng sẽ càng rõ nét.

Shadow Quality cũng ngốn tài nguyên nhưng ở mức chấp nhận được, bạn cứ thử bật đổ bóng và thử các thiết lập và chọn khi thấy vừa ý hoặc nó bắt đầu ảnh hưởng tới FPS.

Shadow Distance

Shadow Distance là khoảng cách của vật thể được vẽ bóng so với camera. Một số game sẽ có tùy chỉnh, một số thì không. Những game không có tùy chỉnh hầu hết sẽ tính khoảng cách những nơi mà nhân vật có thể nhìn thấy được thì mới vẽ bóng, nếu không thì việc này sẽ tiêu tốn tài nguyên xử lý mà chả được lợi ích gì.

Tốt nhất bạn nên để thiết lập mặc định ở phần này, và đừng nên kéo lên quá cao. Nếu như trong các game thế giới mở thì bạn nên để ở mức vừa phải, hoặc nếu bạn muốn chi tiết hơn thì nên thử nâng dần lên cho tới khi khoảng cách đổ bóng của các vật thể hợp lý.

Đam mê là khi bản thân có đủ độ điên với những gì yêu thích, đi ngược với lẽ thường chỉ để tìm được chính mình.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet