Làng game Việt ngày càng có nhiều “người chơi game” hơn là game thủ

Cũng giống như trong cuộc sống thật, cộng đồng game thủ là sự kế thừa và chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó tiếp tục xây dựng niềm yêu thích đối với game, góp phần đưa cộng đồng phát triển bền vững và rộng khắp hơn nữa trong tương lai.

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng đều diễn ra theo đúng chu trình đó, điển hình như Việt Nam. Ở thời điểm hiện này, dù vẫn được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng với lượng người dùng đông đảo nhưng dường như chúng ta đã mất đi bản sắc riêng của mình, chỉ còn là số lượng chứ không có chất lượng.

Lứa game thủ tinh hoa ngày một già đi

Có một sự thật là rất khó để duy trì cảm xúc đối với game theo năm tháng, đặc biệt là game online. Do đó thế hệ game thủ 7x hay 8x đang ngày một già đi và cảm giác thích thú, tâm huyết với game cũng phai dần. Thay vào đó là những lo toan của cuộc sống đời thường, khiến cho xu hướng chơi game bền lâu, cuồng nhiệt không còn được như xưa. Sau những ngày tháng làm cho cả cộng đồng phải choáng ngợp trước những thành quả mà mình đạt được, họ cũng buộc phải nhìn lại chính cuộc sống thật và chuyên tâm hơn vào xây dựng nó.

2game-game-thu-va-nguoi-choi-game-anh-1.jpg (1600×819)

Vấn đề cơm-áo-gạo-tiền không phải nỗi lo của riêng mình, và với những game thủ đã bước vào hàng “băm” cũng vậy. Bắt đầu xây dựng gia đình, ổn định công việc rồi lo lắng cho con cái là lựa chọn hợp lý với một người trưởng thành. Vị trí của game từ đây cũng sẽ phải lùi về phía sau, tuy rằng vẫn đam mê nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó chứ chẳng thể nào “sống mái”, quyết tâm vượt qua bằng được một thử thách nào đó chỉ để thỏa mãn tình yêu game như trước nữa.

…Nhưng măng chưa kịp mọc

Trong khi thế hệ lão làng đang già đi từng ngày thì hàng ngũ hậu bối lại còn quá non trẻ và không có được suy nghĩ thật sự đúng đắn. Sự tác động từ môi trường đã làm cho nhận thức của nhóm thế hệ kế thừa chưa toàn vẹn, dẫn đến xu hướng chơi theo phong trào và chơi cho biết nhiều hơn là lối chơi tìm hiểu sâu, cảm nhận game chi tiết như thế hệ đàn anh “khá game, yêu game” từng làm được. Điều này ít nhiều cũng khiến môi trường làng game Việt bị đốt cháy giai đoạn và quá trình đào thải game cũng khắc nghiệt hơn.

2game-game-thu-va-nguoi-choi-game-anh-2.jpg (1484×794)

Nhưng bù lại số lượng game “thị trường” vẫn thu hút được người chơi bởi đơn giản thế hệ “game thủ trẻ” chưa có cái nhìn thấu đáo khi đánh giá về một sản phẩm nào đó. Đôi khi chỉ vì cái tên game hoặc vài hình ảnh quảng cáo mang tính khiêu khích thôi cũng đủ khiến họ xông xáo tham gia ngay mà không tìm hiểu qua về hình ảnh, lối chơi,…Khởi đầu hấp tấp, đầy vội vàng đó nhanh chóng làm nảy sinh tâm lý chán nản, lập tức bỏ game khi nó không như tưởng tượng của mình.

2game-game-thu-va-nguoi-choi-game-anh-4.jpg (1266×659)

Đây cũng là lý do tại sao trên các diễn đàn, mạng xã hội chuyên game luôn có những lời kêu gọi tẩy chay “game thị trường”, những sản phẩm kém chất lượng từ tầng lớp “game thủ già”. Song do số lượng người tâm huyết với game cũng như dư giả thời gian tranh luận đã không còn nhiều nên càng khiến làng game Việt bị lắng xuống, rơi vào khoảng lặng đầy bi thảm khi không hề có một sự diễn giải, đoàn kết rõ ý nào. Ngoài ra cũng tồn tại một nhóm khá lớn người chơi dạng “đu gió”, cũng tham gia phản đối kịch liệt và đồng thời cũng…chơi “game thị trường” một cách đầy hăng say!

2game-game-thu-va-nguoi-choi-game-anh-5.jpg (1024×681)

Và chịu nhiều tác động từ bên ngoài

Mặt khác việc đề cao khía cạnh doanh thu của NPH đã làm cho cộng đồng ngày càng chìm ngập sâu hơn trong mối lo về “game thị trường”. Rõ ràng nó đáp ứng quá tốt mong muốn về lợi nhuận, mang lại một lượng tiền lớn ngắn hạn để NPH gỡ gạc lại khoản vốn bỏ ra chỉ trong thời gian ngắn sau khi ra mắt. Tuy nhiên khi mà NPH cũng đi theo đường lối ấy thì khái niệm game hay, có đầu tư ở nhiều mặt sẽ hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là các trò chơi không đòi hỏi sự suy nghĩ lẫn kỹ năng mà chỉ đơn thuần là phụ thuộc vào sức mạnh hầu bao của người chơi.

2game-game-thu-va-nguoi-choi-game-anh-3.jpg (1500×814)

Có lẽ bản thân những NPH hiện nay cũng chẳng hề muốn “măng mọc” vì tỉ lệ rủi ro quá cao, phải đầu tư những khoản tiền lớn mới hòng mua được game hay mà chưa chắc nó có được ủng hộ về lâu dài hay không. Chi bằng chúng ta cứ tạm hài lòng với webgame, vừa rẻ tiền vừa đơn giản nhưng doanh thu ổn, chỉ cần nó đánh trúng tâm lý số đông là đam mê võ hiệp, thần tiên, tướng lĩnh một mình một ngựa xông pha chiến trường là đủ. Do vậy mà dù đã khởi xướng lên vô số phong trào ủng hộ việc “thay máu” làng game Việt nhưng đến nay chúng ta vẫn chỉ biết có mỗi webgame hay client game thiếu đầu tư là chủ yếu.

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet