Mạng LAN – “Bài ca không quên” của game thủ Việt

Dẫu biết rằng internet sẽ mang đến một môi trường thi đấu rộng lớn hơn cho game thủ. Thế nhưng không ít người vẫn mong muốn được quay trở lại thời còn gắn bó với mạng LAN chật chội và gò bó lúc xa xưa ấy.

Quay ngược thời gian, chúng ta thấy rằng hình thức Multiplayer (chế độ chơi nhiều người) trong game đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu. Khởi nguồn phổ biến nhất của nó chính là những trò chơi trên hệ máy băng huyền thoại của Nintendo, điển hình như cặp đôi Contra xanh – đỏ cùng kề vai sát cánh vượt qua 8 màn để phá tan hòn đảo của lực lượng Red Falcon, giải cứu thế giới khỏi họa diệt vong. Đây là một trong những điểm rất thú vị của trò chơi điện tử thời kỳ đầu, tạo điều kiện cho bạn bè có thể cùng nhau chiến đấu thay vì chỉ “tự kỷ” rồi khoe điểm số cá nhân. Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất của multiplayer giai đoạn này chính là việc nó chỉ hỗ trợ có mỗi 2 người chơi mà thôi.

2game_23_5_mangLAN_1(1).jpg (548×391)

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, game PC bắt đầu du nhập vào Việt Nam và dần dần thay thế cho các chiếc máy điện tử băng, máy game thùng hay PlayStation. Từ đây, người chơi bắt đầu được làm quen với thao tác bằng bàn phim và chuột cùng với loạt trò chơi có đồ họa đơn giản nhưng cực kỳ lôi cuốn. Trong đó có những game mà bạn không thể nào chơi một mình được, ví dụ như Counter-Strike (khi đó chưa có BOT) và những game không phát huy được hết sự hấp dẫn ở chế độ Single, ví dụ như StarCraft, Age of Empire hay sau này là Red Alert 2.

2game_23_5_mangLAN_2.jpg (550×413)

Lúc này, multiplayer nhận được sự trợ giúp vô cùng đắc lực của LAN (Local Area Network, tức mạng nội bộ), cho phép hơn chục người có thể tham chiến trong một màn Counter-Strike hay 8 nước cùng tranh đua giấc mộng bá chủ vũ trụ trong StarCraft. Lần đầu tiên chạm tay vào môi trường rộng lớn như thế đã mang lại cảm giác rất khác biệt, lôi cuốn mà sau này chúng ta chẳng thể nào tìm lại, dù cho quy mô của internet còn làm tốt hơn như thế gấp nhiều lần.

2game_23_5_mangLAN_3.jpg (550×413)

Một trong số những cuộc chiến qua LAN đã trở thành tượng đại trong lòng mỗi game thủ chính là thời kỳ hoàng kim của Diablo II. Khi nhắc lại thời kỳ xa xưa ấy, nhiều người, giờ đây đã là trụ cột gia đình hay thậm chí cắt đứt “tơ duyên” với game vì nhiều lý do vẫn không khỏi bật cười nhớ về những ngày cúp cua, trốn bố mẹ ra quán game ngồi luyện level hay săn đồ, ép ngọc cùng bạn bè. Niềm vui không chỉ là lúc đánh bại được chúa quỷ, mà còn là khi sở hữu bộ trang bị với những dòng thuộc tính cộng thêm ngập cả màn hình, sau hàng chục giờ đồng hồ kỳ công đập ngọc, gắn đá Rune.

2game_23_5_mangLAN_4.jpg (550×413)

Khi Warcraft III được Blizzard ra mắt, nó đã kéo theo phong trào custom map rầm rộ tại các quán game. Ngoài chế độ dàn trận truyền thống, người chơi có thể tìm thấy sự mới mẻ thông qua dạng bản đồ xây trụ hoặc phong trào “đỉnh cao” lúc ấy là Dday. Tất nhiên, chúng sẽ không thể hấp dẫn đến thế nếu như thiếu vắng đi chức năng đấu qua LAN. Một số trò chơi khác được ưa chuộng nhiều ở giai đoạn này, ví dụ như Battle Realms cũng hỗ trợ lập mạng LAN rất tốt.

2game_23_5_mangLAN_5.jpg (550×378)

Nhờ khả năng gắn kết người chơi quá tốt của LAN, các chủ tiệm game nhanh chóng dựa vào đó để tổ chức nên các giải đấu nội bộ, vừa tạo điều kiện cho game thủ trổ tài và đồng thời cũng tạo tiếng vang, thu hút thêm khách đến với mình. Giải thưởng khi ấy không mấy giá trị, thường là một khoản tiền mặt nhỏ hoặc giờ chơi miễn phí tại quán. Ngay cả khi game online rục rịch tại Việt Nam, giải đấu LAN vẫn được nhiều tiệm game lưu tâm đến. Như giải StarCraft do phòng game Tân Thái Bình tổ chức, quy tụ khá nhiều những gương mặt nổi bật, điển hình là DreamVN.

2game_23_5_mangLAN_6.jpg (550×397)

Vào lúc Gunbound, Võ Lâm Truyền Kỳ cùng MU Online trở thành điểm đến phổ biến của giới trẻ Việt, thì đó cũng là thời điểm mà game LAN nói riêng và các phòng game PC đời đầu nói chung bước vào giai đoạn thoái trào. Khả năng kết nối quá rộng của internet đã nhanh chóng xóa nhòa đi giới hạn trong một phạm vi chật hẹp của phòng game, trong khuôn khổ chỉ vài chục người chơi có thể chạm mặt nhau cùng lúc. Vì vậy, game LAN không còn đất sống mà nhanh chóng lùi vào hậu trường, chỉ giữ vai trò “mua vui cũng được một vài trống canh” cho những ai mới tập làm quen với game PC hay muốn tìm lại chút cảm giác ngày xưa.

2game_23_5_mangLAN_7.jpg (550×413)

Công nghệ là thế, cái mới ra đời sẽ đẩy lùi cái cũ vào dĩ vãng, và game LAN cũng không thể tránh khỏi quy luật muôn đời này. Dù vậy, những ngày tháng gắn bó cùng mạng LAN sẽ luôn là kỷ niệm đẹp mà bất kỳ ai từng trải qua cũng đều không thể quên, bất chấp sự bùng nổ của internet, của game online giai đoạn sau này. Có một thực tế là game online tuy kết nối người chơi rất rộng, nhưng nó không mang lại cảm giác gần gũi, nồng nhiệt như cái thời còn ngồi chung quán game mà la ó ầm ĩ hay quay sang “địa” màn hình đối thủ.

2game_23_5_mangLAN_8.jpg (550×550)

Chính vì lẽ đó mà dù không còn xuất hiện rầm rộ, game LAN vẫn được nhiều game thủ nhớ đến, nhiều công ty vẫn tồn tại các phòng Counter-Strike trong giờ nghỉ trưa để “huynh đệ” cùng trổ tài. Công nhận là có “cổ lỗ sĩ” đấy, có phần hơi bảo thủ đấy, nhưng đó lại là niềm vui không dễ tìm thấy ở game online ngày nay. Hơn nữa, đây cũng là dịp để hoài niệm về thời vàng son của LAN – cánh cổng đầu tiên giúp kết nối những con người mê game trên PC lại với nhau. 

Tổng hợp

Bình luận

Đăng ký hoặc Đăng nhập để tham gia thảo luận chủ đề này.
No comments yet

Bài viết liên quan